Lựa chọn thực phẩm cứu trợ như thế nào cho an toàn, đủ dinh dưỡng và bảo quản được lâu là điều không mới, nhưng mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ, câu chuyện thực phẩm cứu trợ lại nổi lên.
Thực tế, mỗi lần có bão lụt nặng nề, cảnh dưới xuôi khí thế gởi thực phẩm lên nhưng phía tiếp nhận quá tải hoặc phải đổ bỏ thức ăn cứu trợ vì bị hư hỏng...diễn ra phổ biến. Thương đồng bào vùng lũ, người dân nhiều nơi lập thành hội, nhóm cùng nấu ăn, gói bánh, nắm cơm, rang đậu phộng, chà bông, muối mè, bánh mì… ồ ạt gởi về. Nhưng thực tế nhiều nơi dân vùng lũ vẫn đói. Lý do này được chính người dân vùng lũ chia sẻ vì khi bánh mì đến nơi thì khô cứng quá mức do ép chân không nhiều ngày, hoặc dính nước; bánh chưng bị hỏng; mì tôm thì không có bếp nấu nước sôi…
Chứng kiến nhiều nhóm hội rủ nhau nấu ăn từ Sài Gòn với những món bánh tét, bánh chưng…, muốn góp ý về lưu ý thời hạn sử dụng, tôi cũng ngại nói vì có người cảm thấy mình ngăn cản sự hăng hái của họ. Qua nhiều bài nói về thực phẩm cứu trợ, tôi thấy có rất nhiều chia sẻ, góp ý rất tốt vì họ là người từng trải qua những ngày sống trong mưa bão chia cắt hoặc là người từng đi thiện nguyện tận nơi. Có bạn còn liệt kê cả danh sách dài kèm những lưu ý nên gởi thức ăn hay đồ cứu trợ thuộc loại cần thiết. Thật ra, tất cả do yếu tố thời gian kể từ lúc nấu đến lúc người dân nhận được, cũng như sự phân phối có bị chồng chéo, dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu mà thôi. Những phần cơm nắm, bánh mì… vẫn trong hạn sử dụng và thức ăn cứu trợ không dồn về một điểm quá tải, thì dù là món gì lúc này cũng quý.
Như vậy, ngoài việc tổ chức nấu đồ ăn, mua thực phẩm để tức tốc cứu trợ, việc dành thời gian để tính toán một cách khoa học, phù hợp trong chọn lựa mặt hàng và phương cách phân phối hàng cứu trợ cũng rất quan trọng, không thể xem nhẹ.
Anh Tú - Ðồng Nai
Bình luận