Trong xã hội truyền thống với nền kinh tế nông nghiệp nổi trội trước đây, người tín hữu Việt Nam có nhiều thời gian cho đời sống tôn giáo của mình. Họ dự lễ, tham gia hội đoàn, hội nhóm… hầu như đầy đủ. Khi chưa bị cuốn hút nhiều vào đời sống thế tục, thời gian nông nhàn nhiều, đời sống đạo xem ra êm thuận, ít nhất về mặt thực hành. Ngày nay, xã hội phát triển khác xưa, người tín hữu bên cạnh đời sống tôn giáo, còn phải đối mặt và ứng xử với nhiều mối quan hệ xã hội khác, cũng như các thách đố trong đời sống.
Người thời nay thường ưu tiên sự tiện lợi và tiêu dùng, dẫn đến nhiều người cắt giảm bớt thời gian và tâm trí dành cho các hoạt động tôn giáo và gia đình. Một số bạn trẻ có thể xem mạng hàng giờ, nhưng tham dự một giờ lễ cũng thấy quá dài. Lối sống cá nhân lắm lúc tách tín hữu khỏi các sinh hoạt cộng đồng như cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, tham gia ca đoàn và các việc xã hội bác ái của giáo xứ, giáo phận. Thêm vào đó, tín hữu phải đối mặt với áp lực từ công việc và gia đình. Họ lo kiếm sống, bươn chải, nên đã giảm thời gian dành cho việc thực hành đạo đức và tôn giáo… Các giá trị gia đình truyền thống Công giáo có thể bị thay đổi, ảnh hưởng đến việc truyền đạt và duy trì đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví như việc đọc kinh chung trong bữa ăn, hay cùng cầu nguyện buổi tối, ít được các gia đình duy trì. Có thể là hoàn cảnh không cho phép, vì phải tăng ca, làm thêm, làm việc xa nơi ở, con cháu phải đi học bồi dưỡng buổi tối…
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số cũng tác động không nhỏ tới đời sống đạo, cả thách thức lẫn cơ hội. Việc sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng di động, cũng như các trang web tôn giáo giúp giáo dân dễ dàng tiếp cận các nguồn tài nguyên tôn giáo và kết nối với cộng đồng giáo dân. Dù vậy, ở mạng internet cũng có nhiều “rác công nghệ” từ những kênh phi chính thống, mà nếu không có nền tảng giáo lý căn bản, người đọc có thể dễ dàng tin theo, thực hành sai lạc. Chưa kể tính giải trí của mạng xã hội rất cao gây mất tập trung, chia trí, khiến người tín hữu nếu mải mê sẽ không còn quan tâm đến đời sống tôn giáo.
Từ việc biến động di dân do mưu cầu sinh kế, nhiều tín hữu rời quê, xa xứ đạo nơi tuổi thơ gắn bó cùng gia đình thân yêu, họ tìm đến đô thị hoặc các vùng kinh tế mới. Việc thay đổi nơi ăn chốn ở đã tạo ra những hệ lụy cho không ít người, đến nỗi hầu như thiếu hẳn sự gắn kết cộng đồng, và tạo ra nhiều khó khăn trong việc duy trì các thực hành tôn giáo, cũng như các kiểm soát về mặt đạo đức, hành vi của mình.
Một câu hỏi được đặt ra với tín hữu ngày nay là làm sao sống trong môi trường hiện đại mà vẫn thể hiện đời sống tôn giáo? Có lẽ mỗi người cần có nền tảng căn bản về đức tin và các kỹ năng để thích ứng với thời cuộc. Khi có một nền tảng đức tin tốt, họ sẽ là những tín hữu “trưởng thành”, có đời sống đạo dồi dào, viên mãn. Mặt khác, các vị chức sắc Giáo hội, hay các chương trình đào tạo tại các giáo xứ cần cập nhật và “bối cảnh hóa” một cách thích hợp để đáp ứng nhu cầu của tín hữu trong thời đại mới. Chắc chắn một bài diễn giải Phúc Âm hiện nay phải khác 20 năm trước, phải được giảng bằng ngôn ngữ thời nay thì mới thấm vào tín hữu và mới giúp họ vận dụng các giá trị Tin Mừng vào thực tế. Điều này đòi hỏi sự nâng cao không ngừng của những người dẫn dắt cộng đồng tôn giáo về mặt thần học, luân lý, kỹ năng lẫn kiến thức đời sống.
Dù con người đang bị cá nhân hóa, nhưng những khóa học trực tiếp hay trực tuyến sẽ giúp giáo dân tiếp cận và học hỏi các giá trị tôn giáo một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Các ủy ban, các giáo xứ cần tạo ra các hoạt động và sự kiện phù hợp giúp giáo dân liên đới với nhau, xây dựng tình đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong việc sống đạo. Phần các tín hữu, cần biết tận dụng mạng xã hội và các ứng dụng để truyền tải thông điệp của Phúc Âm, tài liệu học tập, và tham gia nhiều các buổi cầu nguyện, thảo luận nhóm. Các cơ quan truyền thông Công giáo nên sử dụng cộng nghệ số để sản xuất các video, podcast, bài viết về các chủ đề tôn giáo và đạo đức để thu hút sự quan tâm của giới trẻ và người giáo dân nói chung.
Có thể nói, người tín hữu Việt Nam trong thời hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức về đời sống thế tục lẫn đời sống đạo. Dù vậy, sự hiện đại cũng tạo ra cơ hội để phát triển và trưởng thành đức tin cho mình.
TS. Ngô Quốc Đông
Bình luận