Qua Tết Nguyên Đán, dòng người rồng rắn trên các quốc lộ hướng về Sài Gòn từ khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông… Họ quay lại công ty, xí nghiệp, trường học và đủ mọi chỗ làm, có khi chỉ là hè phố hay hẻm nhỏ với chút hàng đơn sơ.
Xe gắn máy, xe khách nối nhau một hướng trực chỉ thành phố. Cũng chính dòng người này cận Tết đã thu vén sắp xếp về quê, hình ảnh tương tự, song chỉ ngược chiều. Cung đường từ tỉnh của quê mỗi người với đô thành Sài Gòn đã quá thân thuộc từ lâu lắm. Mỗi dịp Tết - lễ, những cư dân tha hương vẫn đi lại cung đường ấy khi về quê thăm nhà và trở lại thành phố.
Nếu tính từ Sài Gòn đến Cà Mau mất 285 cây số, không xa không gần, xe khách giường nằm chạy chừng 6 - 7 tiếng có dừng nghỉ. Ngày trước, cũng cung đường ấy, nhưng ổ gà, xe cộ không tốt, tình tang đến thành phố hay ngược lại trầy trụa lắm, người đi mệt đừ, lại phải qua mấy phà trên sông rộng. Hạ tầng giao thông, phương tiện xe máy, ô tô cũng thay đổi nhiều, tốt hơn hẳn.
Các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre… kết nối qua tỉnh lộ vào quốc lộ, rồi xuôi về thành phố, cũng không khó khăn cho người đi lại.
Sài Gòn - đô thị trung tâm - với các trường đại học, bệnh viện lớn, khu công nghiệp - chế xuất, sân bay quốc tế, ga xe lửa… cung cấp dịch vụ đa ngành, cùng nguồn hàng hóa sản xuất tại chỗ hay nhập cảng, cho các vùng ở các tỉnh thành khác. Học sinh ở các tỉnh miền Nam học xong THPT, phần lớn chọn Sài Gòn để vào các trường đại học - cao đẳng. Các ca bệnh trọng khi chuyển về tuyến cuối cũng hướng về Sài Gòn. Nguồn lao động dồi dào cho đô thành cũng đến từ quê.
Ông Nguyễn Vinh Phong, 52 tuổi, người Cà Mau, chia sẻ: “Với bà con miền cuối đất, Sài Gòn thân thương lắm. Ngày cũ tôi lên đó học, rồi về quê làm; hữu sự như cần mua sắm, trị bệnh… lại lên Sài Gòn. Con cái trưởng thành lại theo lối cũ của cha, lên Sài Gòn”. Chung tâm tình như ông Phong, bà Ngô Khả Vy, 57 tuổi, ở Trà Vinh, kể: “Đường đi về Sài Gòn với tôi rất là thân quen từ lúc còn xe đò cũ kỹ, đường sá không được như bây giờ, ngồi lâu hơn và mệt hơn. Được như ngày nay thực quý lắm!”. Bà Vy nhớ lại một thời, xe khách chen chúc, dằn xóc, lên được thành phố hay về tới nhà quê là mừng húm. Ông Phan Hoàng Tấn, 75 tuổi (Sóc Trăng) thì cảm nghiệm: “Bây giờ đi thành phố như du lịch, xe máy lạnh êm ru, giường nằm, lại có trạm dừng sạch sẽ bán hàng hóa chất lượng, đi về khỏe re!”.
Đi lập nghiệp ở Sài Gòn đã lâu, chị Ngô Thủy, 40 tuổi, đã ổn định cuộc sống, mua được nhà nơi thành phố này, ấy vậy nhưng khi có dịp, nhất là những ngày Tết - lễ, chị lại tự lái xe gắn máy về Tiền Giang vì gia đình bên ngoại ở đó. Chị bảo, vi vu từng thôn xóm bên đường, vườn tược, cầu, sông rạch, chợ búa thành quen, thương lắm.
Đường tốt, ngày nay nhiều người trẻ tự tin chạy xe gắn máy đi lại giữa quê và thành phố; còn ô tô lái thoải mái đến tận thôn ấp xa xôi nhất. Mật độ lưu thông trên cung quốc lộ dày hơn, và từ lâu phà đã không còn. Ngay trước Tết Giáp Thìn, cầu Mỹ Thuận II đã khánh thành, tô thắm vẻ đẹp của cung đường.
Nhìn dòng bà con từ các tỉnh về Sài Gòn sau Tết, chợt nhớ đến hình ảnh xót xa cũng chưa lâu, dòng công nhân đổ trên quốc lộ xuôi về quê quán ở miền Tây với bao lo lắng khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Giờ thanh bình, dòng người về chỗ làm, chỗ học trông thật yên ả.
Sài Gòn không chỉ có cung đường xuôi về đồng bằng, mà còn có các tuyến kết nối với miền Đông, ra Trung ra Bắc. Nhưng có lẽ cung đường nối với miền Tây đã đón - đưa rất nhiều cư dân miền Nam rời quê về Sài thành lập nghiệp, là nhộn nhịp nhất. Vào những dịp nghỉ, lại ken dày xe cộ đi, về. Không ít người tự lâu đã xem mình như kẻ có hai chốn quê. Hai quê nối bởi một con đường…
Nguyễn Thành Công
Bình luận