Trên mạng xã hội gần đây, ngày càng nhiều các chị em nội trợ than thở không biết phải đi chợ mua gì, phải làm gì cho bữa ăn gia đình được an toàn trước thực trạng thực phẩm “cái gì cũng bẩn”. Chị A muốn đổi món cho đỡ chán, nhưng nghĩ tới bún chứa chất huỳnh quang, bánh phở chứa formol cũng đâm sợ. Chị B định tẩm bổ cho con với món bò xào cũng quá hãi khi nghe nói thịt bò bẩn được tẩm ướp, xử lý tinh vi thành tươi sống bày bán tràn lan trên thị trường. Chị C cho rằng thật khó khi phải chọn lựa một loại trái cây tráng miệng sao cho thỏa mãn được sở thích mà cũng bảo đảm sức khỏe cho cả nhà... Rồi trước tình hình cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung vừa qua, nhiều người đồn đãi rằng nguồn cá này được những thương lái thu mua để làm nguyên liệu chế biến nước mắm. Thế là lại thêm một mối lo cho các bà nội trợ phải cân nhắc cả chuyện chọn nước chấm nào cho “sạch”!
Dường như chưa bao giờ người dân thèm thực phẩm sạch như bây giờ. Báo CGvDT số 2053 (trang 40) đã ghi nhận chuyện thực tế về không ít gia đình ở thành phố tận dụng khoảng sân nhỏ hay một góc ban công, chậu hoa để trồng rau sạch. Không chỉ vì niềm vui riêng mà còn vì sự an toàn cho sức khỏe.
Tình trạng này gợi cho nhiều người suy nghĩ về vấn đề đạo đức và lương tâm trong việc làm ăn. Khoa học, công nghệ tiến bộ, lẽ ra phải làm cho cuộc sống văn minh hơn thì nhiều người lại tận dụng nó để “xử lý” thực phẩm ôi thối thành tươi mới, tạo “heo siêu nạc”, rau trái bóng mượt, lâu hư... phục vụ cho việc buôn bán kiếm nhiều lợi nhuận. Biết là gây độc hại cho tha nhân nhưng người ta vẫn bất chấp. Người Công giáo cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Lẽ nào xã hội phát triển, đạo đức và lương tâm con người lại đi thụt lùi?
TIẾU HOA (TPHCM)
Bình luận