Gần đây em trai tôi có quá nhiều chuyện buồn: công ty tư nhân bị phá sản và còn nợ ngân hàng một khoản lớn, vợ nó bỏ đi, con gởi cho ông bà ngoại nuôi. Nó buồn bực, bế tắc và thỉnh thoảng nói đến chuyện chết để giải thoát mọi sự. Cả nhà canh chừng liên tục, đề phòng nó nghĩ quẩn lại làm điều dại dột. Nhưng chúng tôi không thể giám sát 24/24 giờ, làm sao để chú ấy tỉnh ngộ mà can đảm vực dậy?
(Một bạn gọi từ số ĐTDĐ: 0913...)
Tôi biết rằng, khuyên nhủ một người đang chìm đắm trong cô đơn và thất vọng rất khó. Canh chừng một người quyết tâm chết càng khó hơn. Bởi vì cô đơn - thất bại - buồn tủi làm người ta mất hết nhuệ khí và trong đầu luôn có những ý nghĩ tiêu cực. Cách giúp họ thoát khỏi những hệ quả tiêu cực đôi khi chỉ là chặn họ lại giây lát để sực nghĩ về giá trị của mạng sống. Có câu chuyện vui:
Một người đàn ông sau những ngày đắm chìm trong cô đơn và thất vọng đã quyết định tự vẫn. Sau khi đã thắt dây thòng lọng quanh cổ và cột dây vô một cành cây, anh ta nhảy vội từ cành cây xuống và nói: “Tạm biệt thế giới tàn ác, buồn thảm và xấu xa này”. Nhưng sợi dây bị đứt, anh té lăn ra đất mà vẫn còn sống nguyên. Bực quá, anh về nhà chĩa khẩu súng lục vào thái dương, nhưng cò gẫy và súng không nổ. Người đàn ông vẫn không chịu thôi, chạy xuống bếp lấy con dao định chặt phăng cánh tay mình, nhưng dao cùn quá đến da cũng không đứt. Quá giận dữ, anh quyết định chạy đi mua thuốc độc. Gặp ngã tư đèn đỏ, anh dừng lại đợi sang đường. Tên quỷ nãy giờ vẫn theo sát anh sung sướng lắm và thì thầm thúc giục: “Sao lâu thế? Lẹ lên! Hãy mua thuốc độc và uống đi! Ta sắp lấy được mạng ngươi rồi”. Anh ta lập tức trả lời tên quỷ: “Sao mày ngu thế? Mày đui à? Hàng loạt xe nối tiếp nhau đang chạy như bay, tao băng qua bây giờ thì chết à?”.
![]() |
Bạn thấy đó, chỉ một chút dừng lại bên vệ đường cũng đủ làm cho anh ta nhận ra dù sao cuộc đời vẫn còn đáng sống, cuộc sống tự nó vẫn luôn có giá trị.Ở trường hợp em trai anh, hãy lôi cậu ấy ra khỏi phòng, đi cắt tóc cạo râu rồi đến thăm bệnh ở Trung tâm ung bướu, Phòng cấp cứu của bệnh viện, để thấy người ta giành từng giờ phút sống của một người như thế nào, để thấy tình trạng dở sống dở chết của bệnh nhân khiến những người nhà đau khổ ra sao. Bạn cũng có thể kéo cậu ấy đến những nơi mà người cùng khổ lao động chăm chỉ cũng không kiếm nổi miếng ăn. Bạn đưa cậu ấy đi làm thiện nguyện vài buổi giúp những người khuyết tật nặng để thấy mình lành lặn, khỏe mạnh, giàu có đến đâu... Kêu gọi cậu ấy hiến máu nhân đạo để góp phần cứu mạng cho ai đó không hề quen biết.
Tin rằng, cùng với sự quan tâm chăm sóc của gia đình, cộng với lòng thương xót đồng loại, sự đồng cảm những mất mát của người khác, em trai anh sẽ dừng lại trước ngã rẽ này của cuộc đời và đứng dậy bước tiếp.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận