Giáo dục về văn hóa ứng xử là một phạm trù không bao giờ thiếu trong giáo dục gia đình, đó là nền tảng đạo đức vững chắc giúp con trẻ có những suy nghĩ cũng như thái độ đúng đắn sau này, không chỉ với gia đình mà còn ở ngoài xã hội.
Trẻ em đang trong giai đoạn học, tiếp thu, lĩnh hội những giá trị sống để phát triển nhân cách, do đó việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thật cần thiết để qua đó, các em nhận thức đúng và có hành vi ứng xử phù hợp ngay từ khi còn nhỏ. Chị Hoàng Thị Nguyên Anh (ngụ quận 12 - TP.HCM) chia sẻ về kinh nghiệm dạy con của mình: “Có những hành vi tuy nhỏ nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến nhận thức của các con từ khi con còn bé, vì thế chúng tôi luôn lưu ý để nhắc các con mình từ những chuyện nhỏ như không nên nói quá to trong một tập thể, quán ăn, trong đám đông, không vứt rác lung tung hay chen lấn xô đẩy, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm...”. Vợ chồng chị Hoàng Thiên Kim (Quận 11 - TP.HCM) cho biết, họ luôn cập nhật các phương pháp giáo dục con của các nước tiến bộ, nhất là dạy cho các bé phải biết cư xử lịch sự nơi công cộng. “Con tôi chỉ mới 5 tuổi nhưng khi đi du lịch đến một bãi biển mà cháu tìm mãi không thấy thùng rác đâu, bèn bỏ rác vào một bao nilon sạch rồi mượn túi của mẹ nhét vào...”, chị Kim nói. Có những bậc cha mẹ thông qua các câu chuyện hay về lối sống văn minh trên báo hay trên mạng để kể cho con cháu nghe như một cách giáo dục gián tiếp. Nguyễn Trúc Vy, 18 tuổi (ngụ quận 2 – TPHCM) cũng thường được mẹ “dạy” cho những bài học bổ ích bằng cách này. Theo Vy, những câu chuyện về cách sống, cách đối nhân xử thế qua những gì mẹ kể, dần dần thấm và điều chỉnh cách hành xử của Vy mỗi ngày.
![]() |
Trẻ con có thể làm sai, mắc lỗi nhưng sau đó phải biết nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình. Thật không dễ dàng để nói ra hai từ “xin lỗi” nếu cha mẹ không uốn nắn con mình từ nhỏ. Anh Đặng Văn Nguyên (quận Tân Bình, TPHCM) thừa nhận điều này. Anh kể, có lần con ham chơi chạy va phải một người bán hàng ở trên đường, anh liền nhắc con nói câu xin lỗi họ và phân tích hành động vừa rồi của con ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào dù là vô tình... Vì ý thức được rằng chính những lời xin lỗi nhẹ nhàng sẽ giúp giảm thiểu các xung đột dẫn đến những vụ xô xát không đáng có trong xã hội nên bản thân anh Nguyên cũng luôn để ý và làm gương cho con cái hằng ngày. Phần lớn, con trẻ sẽ nhìn cách người lớn cư xử để làm theo và thường bắt chước những hành động của bố mẹ một cách vô thức. Thế nên cha mẹ cần cẩn trọng trong cư xử, giao tiếp và nói năng đúng đắn để có thể làm gương cho con. Anh Nguyễn Hồng Minh (Quận Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Trong việc uốn nắn con cái, theo tôi nên tránh thái độ quát tháo, la mắng và áp đặt con. Thậm chí ngay cả khi cha mẹ sai thì cũng phải mạnh dạn nói lời xin lỗi con. Như thế việc hình thành thói quen xin lỗi cũng sẽ diễn ra tự nhiên hơn.”.
![]() |
Luôn động viên và khen ngợi mỗi khi con làm được một điều gì đúng, thậm chí thưởng cho con nếu cần thiết, đó cũng như là cách thừa nhận hành vi tốt của con. Điều đó sẽ khuyến khích trẻ hành động tích cực và có ý thức hơn với từng việc làm của mình.
Văn hóa giao tiếp ứng xử - vấn đề tuy cũ nhưng luôn luôn mới trong mọi thời đại. Bởi xã hội ngày càng phát triển hiện đại thì những quy tắc, phong cách giao tiếp lịch sự càng cần được thể hiện. Giáo dục gia đình góp phần lớn vào việc giúp người trẻ biết hành xử văn minh một cách thiết thực.
THẢO NGUYỄN
Bình luận