GIÁNG SINH Ở GRECCIO

Tác giả

Sinh ngày 3.6.1861, tạ thế ngày 11.10.1909, Sophie Jewett là nhà thơ, dịch giả, và giáo sư tại Wellesley College ở thị trấn Wellesley, hạt Norfolk, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Thành lập năm 1870, là đại học tư danh giá dành cho nữ sinh viên, Wellesley College chuyên về văn-sử (liberal arts). Nữ sĩ Sophie Jewett còn có bút danh Ellen Burroughs.

Truyện ngắn này của bà viết về Thánh Phanxicô Átxidi (St. Francis of Assisi). Ngài sinh năm 1182, về với Chúa năm 1226, được Đức Giáo Hoàng Gregory IX phong thánh năm 1228.

Tác phẩm

Một đêm tháng Mười Hai, sư huynh Francis cùng một bạn đồng hành đang bước trong thung lũng xinh đẹp nơi con sông Velino chảy qua,[1] hướng về thành phố nhỏ Rieti, nơi sư huynh thường ghé lại trên đường từ Assisi tới Rome. Đêm nay sư huynh đi hơi chếch khỏi đường cái, vì muốn mừng Giáng Sinh cùng người bạn là ngài John ở Greccio, một nơi bé xíu trên vùng đồi thấp sát chân núi, bên phía tây thung lũng. Đôi bàn chân sư huynh Francis quá đỗi rành rẽ con đường này nên thừa sức cất bước an lành trong đêm đen. Nhưng trời lại không tối. Vầng trăng tròn treo lơ lửng bên trên thung lũng khiến cho dòng sông hẹp và những đường viền sắc lẻm bằng tuyết phủ lên mấy ngọn núi đều sáng trắng một màu bạc. Đồng bằng và những đồi thấp là đồng cỏ để thả gia súc. Không xa con đường, trên một sườn dốc rậm cỏ, hai sư huynh nhìn thấy le lói sắc đỏ từ bếp lửa sắp tàn của những người chăn cừu. “Chúng ta hãy dừng chân ghé thăm mấy anh em mình, là các bạn chăn cừu ấy”. Sư huynh Francis nói vậy và hai tu sĩ rẽ về hướng ngọn lửa đang lụi dần.

Trong không gian chẳng có chút hơi hướm gì của mùa đông, ngoại trừ sương giá thấm vào da thịt, và tuyết phủ trên chóp núi phản chiếu lên bầu trời ánh sáng bạc. Cuộn chặt mình trong mấy tấm áo khoác da cừu, ba gã đàn ông và một cậu bé chăn chiên đang nằm ngủ ngon lành giữa màn trời chiếu đất. Đàn chiên chung quanh họ cũng đang ngủ, riêng mấy con chó thì cảnh giác mở to mắt canh chừng.

Lẽ thường, hễ nghe tiếng bàn chân lạ lẫm nào giẫm lên cỏ, lũ chó liền sủa vang, và cả đàn chiên lập tức đứng phắt dậy. Nhưng đêm nay mấy con chó chỉ từ từ bước tới và lặng lẽ cạ mình vào chân hai vị sư huynh khoác tu phục xám tro, cơ hồ nói rằng chúng hân hoan tái ngộ người quen, vì chúng nhận biết đôi bàn chân thân thiện của Francis, vị tu sĩ khó nghèo bé nhỏ.

Với lũ chó bám theo phía sau, Francis bước đến gần những người chăn chiên, nhưng họ vẫn say ngủ, và sư huynh không nỡ đánh thức họ. Đàn chiên nằm tụm lại từng nhóm để được ấm hơn. Một khoảnh cỏ nho nhỏ vuông vuông có lưới vây kín để bảo vệ các chiên mẹ và chiên con bên trong. Đêm sâu tĩnh lặng thỉnh thoảng có tiếng một chiên con bé bỏng kêu be be yếu ớt. Ở bếp lửa nấu bữa tối của bốn người chăn chiên, những vụn than tàn đã chuyển từ đỏ sang xám, và một sợi khói lam mỏng manh nhẹ tỏa dưới ánh trăng.

Francis ngồi xuống một tảng đá. Con chó trắng lớn nhất đàn áp sát mình vào đầu gối sư huynh. Con chó khác ngoan ngoãn với nhiệm vụ đã bước trở lại chỗ nhốt các chiên mẹ và chiên con. Đối với Francis, giờ đây sườn đồi này ở nước Ý dường như trở thành Bethlehem, mà trong cuộc hành trình về phương Đông có lẽ sư huynh đã nhìn thấy; cái đêm tháng Mười Hai tạnh ráo này cơ hồ giống buổi tối Giáng Sinh đầu tiên ngày xưa.

Sư huynh ngẫm nghĩ: “Các bạn chăn chiên này ngủ say quá! Làm sao họ tỉnh thức nổi nếu các thiên thần hát ‘Bình an dưới thế’!” Thế rồi vị tu sĩ buồn rầu nhớ tới những chiến binh tự xưng là Ki-tô hữu đã đánh nhau với những người Saracens [2] ròng rã năm này qua năm khác trên miền đất vốn là cái nôi của Chúa Hài Đồng và nấm mộ của Thầy Giêsu. Ánh trăng trở nên nhạt nhòa, mấy đỉnh núi phủ tuyết trắng và dòng sông loáng bạc đều mờ đi vì nước mắt đã ứa đầy đôi mắt sư huynh Francis.

Khi hai sư huynh tiếp tục lên đường, lòng Francis thanh thản trở lại. Cảnh tượng những người chăn chiên nằm ngủ trên bãi cỏ gieo cho Francis một ý tưởng mới mẻ, và sư huynh lập tâm dành cho bạn mình ở thị trấn Greccio một bất ngờ. Ở Greccio, mọi người đều là bạn của sư huynh, từ ngài John là chủ nhân cho tới các bé con trên đường sá. Trong thung lũng Rieti cũng như nơi quê nhà Assisi, hầu như sư huynh đều được mọi người biết rõ và rất yêu mến. Trẻ em ở Greccio chưa từng nghe tới cây Giáng Sinh, và có lẽ cũng chưa biết quà Giáng Sinh là gì. Người dân Greccio, già trẻ lớn bé, sẽ vui hơn mọi khi vì sư huynh Francis yêu dấu của họ sắp giúp họ mừng lễ Giáng Sinh. Hôm sau, Francis hé lộ với ngài John dự tính ấy và được bạn mình hứa rằng mọi việc sẽ sẵn sàng vào đêm Giáng Sinh.

Hôm trước ngày Giáng Sinh, chúng dân tứ xứ đổ về Greccio để nghe sư huynh Francis giảng. Mặc y phục đẹp đẽ chỉ dành cho những dịp hội hè, nam phụ lão ấu hoặc đi bộ hoặc cỡi lừa, hoặc ngồi nêm cứng trên các xe bò. Nhiều người trong số họ sống cách Greccio rất xa, nên khi họ chưa đến thị trấn thì bầu trời mùa đông đã sụp tối. Đuốc họ thắp cháy đỏ khắp nẻo đường, và trước khi họ tới thì tiếng họ hát đã vang vọng tận mọi ngõ ngách trong thị trấn. Tối hôm ấy Greccio bé nhỏ cơ hồ chen chúc chúng dân giống như Bethlehem xa xưa vào đêm Giáng Sinh đầu tiên.

Phần đông người trẩy về Greccio đều nghèo khó. Họ là nông dân phơi lưng sấp mặt ngoài ruộng đồng, là thợ đốt than trên non trên núi, là những người chăn chiên mặc quần áo da cừu, phô bày lớp lông loăn xoăn ra ngoài, khiến họ trông lạ mắt, như thể những con thú đi bằng hai chân. Trong số ấy có bốn người chăn chiên đã ngủ say trên đồi khi hai tu sĩ ghé qua, nhưng bọn họ nào biết rằng nửa khuya ấy họ tình cờ có khách. Mấy con chó trắng của họ thì rõ biết, nhưng chúng giữ bí mật. Những người chăn cừu cũng ngậm miệng làm thinh như đàn chó của mình. Họ vốn ít nói năng ca hát hơn thiên hạ, vì đã quen lâu với những tháng ngày sống im lặng giữa đàn chiên.

Cuối cùng mọi người đã tụ tập được ở khoảnh sân rất rộng phía trước nhà thờ. Trăng mọc muộn, nhờ ánh đuốc chập chờn mọi người trông thấy sự bất ngờ mà sư huynh Francis và ngài John đã sửa soạn cho họ.

Họ nhìn vào một chuồng gia súc thật sự, trong đó đặt cái máng ăm ắp cỏ khô, và một con bò cùng một con lừa đều còn sống. Ngay cả ánh đuốc khi mờ khi tỏ cũng đủ cho thấy hơi thở của bò và lừa phả vào bầu khí lạnh giá. Và kia, trên cỏ khô là một hài nhi bằng xương bằng thịt, được ủ ấm, đang nằm ngủ và nhoẻn miệng cười, trông ngọt ngào và hồn nhiên như thể bé chính là Chúa Hài Đồng. Mọi người reo hò hoan hỷ. Họ vỗ tay và huơ huơ những ngọn đuốc.

Thế rồi mọi người im lặng, vì sư huynh Francis đã đứng trước họ, và giọng nói họ yêu mến biết mấy đã cất lên. Họ vượt bao quãng đường xa là để nghe giọng nói này. Sư huynh bắt đầu đọc tích xưa kể về Chúa Hài Đồng chào đời, về những người chăn chiên trên đồng cỏ, và về khúc hát các thiên thần.

Khi xong phần đọc chuyện, Francis nói với họ như thể người cha nói với con cái. Sư huynh nói về đức ái vốn hiền lành như trẻ thơ, vốn vui lòng chịu khó nghèo và hạ mình như Hài Nhi nằm trong máng cỏ giữa đàn gia súc. Sư huynh xin mọi người đang lắng nghe hãy gột bỏ sân giận, thù ghét và ganh tỵ ra khỏi lòng mình trong đêm Giáng Sinh này, và hãy chỉ nghĩ tới an bình cùng thiện chí. Mọi người say sưa lắng nghe như nuốt từng lời. Khi sư huynh Francis dứt tiếng, tất cả đại chúng đồng thanh cất cao giọng hát. Tháp chuông nhà thờ rền vang âm ba, những ánh đuốc tưng bừng nhảy múa, khắp nơi reo hò chúc tụng sư huynh Francis và Chúa Hài Đồng. Chưa bao giờ Greccio lại huy hoàng, hân hoan được như thế. Riêng các bà mẹ đang ẵm con thơ và những người chăn chiên mặc quần áo da cừu thì im lặng ngước nhìn lên không trung và họ cùng ngẫm nghĩ: “Ta đang ở Bethlehem”.

Nhiêu Lộc, 3.12.2020

Nguyên tác: The Christmas at Greccio

Tác giả: Sophie Jewett (1861-1909)

Dịch & chú thích: Huệ Khải


[1] Velino là con sông ở giữa nước Ý, bắt nguồn từ trên núi Pozzoni, chảy qua một thung lũng hẹp kề cận ngọn núi Terminillo.

[2] Thời Trung Cổ, các tác giả đạo Thiên Chúa ở châu Âu gọi người A Rập theo đạo Islam (đạo Hồi) là Saracens (tiếng Anh), Sarrasins (tiếng Pháp), Sarazenen (tiếng Đức), v.v…

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Một cái nắm tay…
Một cái nắm tay…
Tôi hình như chưa từng thấy ba má mình nắm tay nhau. Có lẽ, những vất vả mưu sinh cùng bao thăng trầm của gia đình đã khiến cho cử chỉ ấy mai một. Hoặc là ba má tôi chẳng hề có thói quen ấy.
Mùa cưới, mùa yêu thương
Mùa cưới, mùa yêu thương
Chị Hà về tới đầu hẻm thì quay xe, vòng ra ngõ sau. Trả lời cậu con trai nhỏ đang thắc mắc, chị bảo: “Trong hẻm có đám cưới con à, mình đi đường khác để tránh phiền người ta”. Thâm tâm chị nghĩ thêm, lâu lâu mới có dịp,...
“Vâng lời Thầy con thả lưới"
“Vâng lời Thầy con thả lưới"
Hằng năm, vào dịp lễ kính hai thánh Phêrô - Phaolô, những ngư dân thuộc giáo phận Phan Thiết có truyền thống tề tựu về tham dự thánh lễ làm phép ghe, thuyền. Họ cùng con thuyền của mình mong ước một năm bình an, thuận lợi khi ra khơi...
Một cái nắm tay…
Một cái nắm tay…
Tôi hình như chưa từng thấy ba má mình nắm tay nhau. Có lẽ, những vất vả mưu sinh cùng bao thăng trầm của gia đình đã khiến cho cử chỉ ấy mai một. Hoặc là ba má tôi chẳng hề có thói quen ấy.
Mùa cưới, mùa yêu thương
Mùa cưới, mùa yêu thương
Chị Hà về tới đầu hẻm thì quay xe, vòng ra ngõ sau. Trả lời cậu con trai nhỏ đang thắc mắc, chị bảo: “Trong hẻm có đám cưới con à, mình đi đường khác để tránh phiền người ta”. Thâm tâm chị nghĩ thêm, lâu lâu mới có dịp,...
“Vâng lời Thầy con thả lưới"
“Vâng lời Thầy con thả lưới"
Hằng năm, vào dịp lễ kính hai thánh Phêrô - Phaolô, những ngư dân thuộc giáo phận Phan Thiết có truyền thống tề tựu về tham dự thánh lễ làm phép ghe, thuyền. Họ cùng con thuyền của mình mong ước một năm bình an, thuận lợi khi ra khơi...
Cuốn sách cha cho
Cuốn sách cha cho
Khi cầm trên tay, tôi chú ý đến tựa sách “Gặp gỡ Thánh Inhã - Đấng sáng lập Dòng Tên”. Nó nhỏ nhắn, chỉ dài khoảng một gang tay.
Áo dài chụp ảnh rộn ràng sắc Xuân
Áo dài chụp ảnh rộn ràng sắc Xuân
Hằng năm, cứ khoảng từ sau lễ Giáng Sinh đến cận Tết Nguyên đán là các cửa tiệm cho thuê áo dài và phụ kiện lại được dịp vào mùa. Ðó là mùa “làm đẹp” tấp nập nhất trong năm.
Góc bình yên ở làng phong Qui Hòa   
Góc bình yên ở làng phong Qui Hòa  
Làng phong Qui Hòa (Qui Nhơn) đã trải qua gần một thế kỷ hiện diện. Nơi đây trước kia được các tu sĩ Công giáo xây dựng nhằm giúp những người mắc bệnh phong có nơi chữa trị, sinh sống.
Bước trên đường hy vọng
Bước trên đường hy vọng
Người ta nói gen Z là thế hệ dễ tổn thương. Mỗi lúc như thế, không hiểu sao tôi lại cầm lên quyển “Đường Hy Vọng” - cuốn sách chứa đầy kỷ niệm, tôi mượn được từ người anh cùng cơ quan, để mong tìm thấy chút hy vọng trong...
“Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà“
“Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà“
Tâm trạng này đâu khó chia sẻ, bởi ai cũng từng gặp trong chính mình, đó là ham đi, càng xa càng tốt, rồi cuối cùng mệt nhoài. Nôn nao chuẩn bị cho hành trình, hồi hộp háo hức, để rồi khi đến chốn mong đợi, lại muốn bỏ về....
Ước mơ đưa nghệ thuật Việt Nam  ra thế giới
Ước mơ đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, người phụ nữ đa tài Nguyễn Thị Xuân Phượng (sinh năm 1929 tại Huế) sẽ bước vào tuổi 96.