Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô

Truyện ngắn

Anh Phaolô rất thân mến.

Bố Anh đặt tên cho Anh là Xaolô. Anh hãnh diện mang tên ấy ròng rã suốt một nửa thế kỷ. Bỗng chốc Anh đổi tên là Phaolô. Phaolô là tên của bọn đế quốc La Mã, chỉ nghe cách phát âm thôi cũng đủ để ngứa lỗ tai rồi. Thế mà Anh lại trìu mến nó, ôm nó trong lòng, ủ ấp nó như người mẹ ủ ấp bé thơ. Ai lỡ miệng gọi Anh là Xaolô, thì Anh làm ngơ như không nghe, như không biết. Thái độ quyết liệt của Anh bắt tôi phải suy nghĩ, suy nghĩ triền miên.

Suy nghĩ mãi thì phải vỡ lẽ. Lẽ là thế này:

1. Dòng máu của Anh là dòng máu Pharisêu: kiêu ngạo và cực đoan. Ái quốc cực đoan. Yêu Giêsu cũng cực đoan. Vì thế Anh mới bắt bớ đệ tử của Đức Giêsu một cách tàn nhẫn cực kỳ.

Đã kiêu ngạo và cực đoan thì phải chấp nhận sự đổ vỡ và tan hoang. Lịch sử vẫn khẳng định như thế. Vì kiêu ngạo và cực đoan, tên khổng lồ Gôliát đã gục ngã dưới chân thằng chăn cừu còn đang ở tuổi vô ăn vô lo. Cũng vì kiêu ngạo và cực đoan, Anh đã bị con ngựa trung thành hất xuống đất, đui hai con mắt, chẳng biết phương hướng nào mà đào tẩu. Đành phải chắp tay đầu hàng, khấu đầu thân thưa: “Lạy Ngài, con phải làm gì bây giờ ?”.

Sự cố Đamát không nghiền nát Anh thành tro bụi nhưng đã xoay Anh một nửa vòng tròn, dìu Anh vào con đường khiêm tốn và yêu thương. Ba năm trời sống ẩn dật ở Tạcxô, Anh thấy Đức Giêsu nhãn tiền. Anh thấy Ngài yêu thương người ngoại quá chừng. Anh yêu Đức Giêsu hết mình, để đền bù những năm tháng truy nã Ngài. Anh yêu người ngoại hết mình, để chứng minh mình đã yêu Đức Giêsu đến tận ngọn nguồn rồi.

2. Anh đang sống âm thầm lặng lẽ ở Tạc xô, thì bỗng Anh giật mình đến thót tim. Đó là ông Bạcnaba từ bến cảng đi lên, đứng lừng lững trước cổng nhà Anh. Hai người trợn mắt nhìn nhau, rồi ôm ghì lấy nhau

Ông Bạcnaba kể chuyện về giáo đoàn Giêrusalem cho Anh nghe. Người kể thì rất bình tĩnh, giọng nói rỉ rả. Người nghe thì khóc hù hụ, nước mắt dầm dề. Khóc vì hối hận, khóc vì thương xót. Chiến dịch truy nã của Anh làm giáo đoàn Giêrusalem tan tác như xác pháo. Sau sự cố Đamát, anh em tín hữu từ khắp nơi lần mò trở về, làm lại cuộc đời. Cuộc đời làm lại chưa xong, thì vua Hêrođê lại ra tay bắt bớ. Hai cái đầu của ông Phêrô và của ông Giacôbê đang như hai quả trứng để đầu gậy. Thương quá là thương ! Cay đắng ngàn trùng !

Kể hết chuyện buồn ở Giêrusalem, ông Bạcnaba chuyển sang kể chuyện vui ở Antiôkia. Tin Mừng đang bùng vỡ ở đây. Đặc biệt là người ngoại đạo ồ ạt theo đạo Kitô. Nghe tin người ngoại đang ồ ạt theo đạo, Anh nhảy nhổm lên, dang tay thẳng băng, ngước mắt nhìn trời, cười ha hả Sướng quá !

Sáng hôm sau Anh giã từ bố mẹ, không hẹn ngày tái ngộ. Ông Bạcnaba và Anh vui vẻ đi ra bến cảng, vừa đi vừa nói chuyện tíu tít, y như hai con chim sẻ vui vẻ chào bình minh.

3. Về tới Antiôkia, hai anh em bắt tay vào việc ngay. Anh say mê kể chuyện Đức Giêsu yêu người ngoại. Yêu đến mức độ đề cao người ngoại hơn cả người Do Thái. Yêu đến mức độ cho người ngoại đóng vai lý tưởng trong một dụ ngôn, rồi nói với ông kinh sư rằng: “Ông hãy về và làm như thế”. Người ngoại được đề cao, cao vời vợi. Người không cắt bì được bốc thơm, thơm ngào ngạt.

Giáo đoàn Antiôkia đang lớn lên như diều gặp gió, thì bỗng khựng lại. Tại sao vậy ? Tại cái luật cắt bì. Lớp người ngoại đầu tiên, vì quá hăng say theo đạo, nên quên xấu hổ, khi phải moi “cái ấy” ra cho người ta cắt bỏ lớp da bọc quy đầu. Lòng hăng say nhập đạo chỉ giảm đi một tí, thì cái xấu hổ lớn lên vù vù. Lớn quá đến mức phải thốt lên: “Eo ôi ! Lớn cồ cồ ra rồi mà vẫn phải phơi “ấy” ra như trẻ con sao ? Yêu Chúa thì vẫn yêu, nhưng “ấy” thì không dám đâu”.

Thấy phong trào trở lại đang như bùng vỡ, bỗng khựng lại, chỉ vì cái miếng da bọc quy đầu, Anh nổi khùng lên và tuyên bố như điên: “Cắt bì hay không cắt bì, thì Đức Giêsu được cái gì ?”.

Anh đấu tranh quyết liệt, để người ngoại trở lại mà không bị cắt bì, không phải giữ luật Môsê. Cả tâm lẫn tư của Anh đều hướng hết về người ngoại. Người ngoại dễ thương và dễ mến vô cùng ! Anh muốn hiến cả cuộc đời Anh cho người ngoại !

Phong trào người ngoại nhập đạo lại bùng lên như trước và còn hơn trước nữa. Những người bảo thủ bắt người ngoại đạo phải cắt bì trước khi được thanh tẩy, bây giờ đều gục mặt xuống, hối tiếc quá chừng. Ai nấy đều thấy người ngoại đạo ở khắp nơi chưa được nghe loan báo Tin Mừng. Đó là một thực tế đang làm lương tâm Kitô hữu ở Antiôkia bứt rứt khôn nguôi

4. Bỗng có một ngày đẹp trời: ai nấy đều có một cảm nghĩ như nhau, bức xúc như nhau. Mọi người đều nhất loạt đề cử Anh và ông Bạcnaba đem Tin Mừng đến cho người ngoại đang sống đông đúc trên khắp vùng Tiểu Á. Tin này được loan đi đến mọi nhà. Nhà nhà cầu nguyện. Người người quyên góp vàng bạc. Các niên trưởng, các giảng viên giáo lý đặt tay chúc lành cho Anh, cho ông Bạcnaba và cho Gioan Máccô cháu gọi ông Bạcnaba bằng Cậu. Các đại gia đua nhau tặng quà. Các bà mệnh phụ đua nhau nhét tiền vào túi các anh. Cảm động quá chừng ! Ai nấy đều phấn khởi, nhưng vẫn không khỏi ngậm ngùi và rơi lệ !

5. Con tàu rời bến Xêlêukia. Hằng trăm cánh tay vẫy chào. Hằng trăm con tim co thắt. Thương nhớ vô vàn ! Ai nấy đều thấy rằng Anh được Thánh Thần dẫn đưa. Anh đang mở màn cho một thế kỷ loan báo Tin Mừng. Tin Mừng đang cùng Anh đi đến tận cùng thế giới. Phấn khởi vô cùng !

Hành khách nào rời bến cũng ngong ngóng ngày trở về. Còn Anh thì chỉ ngong ngóng chờ ngày cập bến mới. Anh chỉ muốn đi mãi, đi mãi vào tương lai, đi mãi vào chân trời xa tắp tít. Đó là nguyện vọng của Thầy. Đó là lời trăng trối nóng bỏng của Thầy. Ôi Tin Mừng và không gian vô tận !

Sau một ngày cánh buồm căng phồng vì no gió, vượt qua một hải trình dài 189 dặm (280 km), con tàu ghé cảng Xalamin, cảng cực Đông của đảo Síp. Ông Bạcnaba thở phào nhẹ nhõm. Síp là quê hương thứ hai của ông. Nhờ ông thổ địa Bạcnaba, Anh tiếp xúc được với mọi hội đường Do Thái, Anh tranh luận được với mọi ông Kinh Sư. Anh dẫn chứng Ngôn Sứ, Anh trích dẫn Thánh Vịnh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Không ai phản bác được Anh.

Anh cứ tưởng Tin Mừng sắp bùng vỡ như ở Antiôkia. Ai ngờ Anh chỉ mở được cái TRÍ của họ, còn cái TÂM của họ thì vẫn kín như bưng. Số người xin chịu phép rửa chỉ lác đác như những tép lúa thợ gặt bỏ sót ở ngoài đồng. Anh buồn, Anh giận, Anh thất vọng. Anh muốn quên kiều bào Do Thái để hướng đến dân ngoại. Anh từ giã Xalamin, mở cuộc hành trình dài 121 dặm (180 km) xuyên qua đảo Síp, từ cực đông sang cực tây. Anh dừng chân ở Paphô và để lại ở đây một kỷ niệm không bao giờ quên

6. Vừa đặt chân lên Paphô, Anh đụng đầu ngay với một kiều bào Do Thái. Hắn là phù thủy và tự xưng là ngôn sứ. Hắn là đối thủ của Anh và quyết tâm không cho Anh gặp mặt ông thống đốc của hải đảo. Nhưng Anh không phải là một tay vừa. Anh nguyền rủa hắn, bắt hắn phải đui một thời gian. Thế là hắn bị đui thật. Nhờ đó ông thống đốc tin và theo đạo. Tên ông ta là Xécghiô Phaolô. Anh mừng quá, hứng quá, bèn bỏ tên Xaolô để mang tên là Phaolô.

Tên Phaolô trở thành mốc lịch sử của đời Anh. Tôi xin ghi nhận và không bao giờ dám quên.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.