Truyện ngắn
Cha kính mến.
Con đang sống vào đầu thế kỷ 21 : xa cách Cha ngàn trùng. Xa về thời gian là 20 thế kỷ. Xa về không gian là chừng 60.000 cây số. Vì yêu mến Cha, con mần mò đi tìm thân thế và sự nghiệp của Cha. Tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy gì. Con đường lịch sử dài thăm thẳm ghi chằng chịt những kỷ niệm vui buồn của ngàn vạn kiếp nhân sinh. Thế mà dường như lịch sử cố tình bỏ quên Cha. Con lại đi tìm, tìm mãi, tìm mòn mỏi, mới thấy một vài mảnh vụn tư liệu, gom lại thì chưa đầy một muỗng cà phê. Buồn quá thể ! Nản quá chừng ! Nhưng buồn thì được gì ? Nản thì được cái chi chi. Nghĩ thế, con lại mần mò, mò mãi mới có được một trang lý lịch ngắn tũn như sau :
Tên : Giuse
Phái tính : Nam
Năm sinh : Không rõ
Thường trú : Nadarét
Nguyên quán : Bêlem
Quốc tịch : Do Thái
Nghề nghiệp : Thợ mộc
Hộ khẩu : Có vợ là Maria và con trai là Giêsu
Cha kính mến.
Cầm tờ lý lịch của Cha trong tay, con cảm thấy vô tư, y như tình cờ đọc tấm bia mộ của ai đó trong nghĩa trang thành phố. Bất mãn về sự hiểu biết quá ít về Cha, con lại tiếp tục tìm tòi, moi móc kho tàng lịch sử của loài người. May quá, con lại có thêm một số tư liệu về cuộc đời của Cha. Chỉ tiếc một điều là những tư liệu ấy chỉ cho con thấy thấp thoáng hình ảnh của Cha. Tuyệt nhiên không cho con nghe Cha nói một lời nào, dù một từ gọn lỏn cũng không. Như vậy, có khác gì một đứa con yêu bố mà chỉ thấy bố đi ra đi vào trong căn nhà thân thương chứ chẳng được nghe bố nói một lời nào dù là một tiếng “ừ”, một tiếng “hứ” gọn lỏn. Tiếc quá !.
Cha ơi, trong tâm tình yêu mến, trong nỗi buồn man mác con xin ghi lại tuần tự những tấm hình kể về vài sự cố trong đời của Cha. Sau đó con sẽ dâng lên Cha những suy nghĩ và tâm tình của con đính kèm theo mỗi tấm hình ấy.
1. Cha đi hỏi vợ
Vừa chạm ngõ tuổi 18, Cha nghĩ ngay đến việc lập gia đình để sinh con đẻ cái, xúm xít xung quanh bàn ăn, như một chùm ôliu. Đó là vinh dự của dòng tộc. Đó là bổn phận trọng đại đối với tổ quốc. Nhưng ai sẽ là bạn đường trăm năm ? Trong làng Nadarét có một cô gái tên là Maria. Dưới ánh mắt của các bậc phụ mẫu từng trải, thì cô Maria là cô dâu trên tuyệt vời. Dưới cái nhìn của bọn đàn ông con trai, thì cô Maria là món quà Ông Trời dành riêng cho người đàn ông nào tuyệt vời nhất. Trong làng Nadarét thì chẳng có người đàn ông nào được như thế. Bởi vậy, trai làng chỉ biết nhìn trộm, chỉ biết thèm thuồng và tiếc hùi hụi...
Thế rồi bỗng dưng bùng vỡ tin cô Maria sắp lấy chồng. Anh chồng lại là anh chàng thợ mộc Giuse. Bọn trai làng ngẩn tò te. Chúng nó đồng thanh nhận định : “Tư cách của chú rể thì cho “mười cộng” (10+) gia thế của chú rể thì cho “âm không” (-0). Có vài đứa ganh ghét và nói hỗn : “Ông Trời mù”.
Chàng rể ấy là Cha. Cô dâu ấy là Đức Maria, Mẹ yêu dấu của con. Cha thì vui lắm : Niềm vui của dòng tộc, cộng thêm niềm hãnh diện của cá nhân. Mẹ của con thì không vui không buồn. Người đang hướng tâm về một nơi xa xôi nào đó...
2. Tan nát cõi lòng
Sau lễ cầu hôn có giá trị như một lễ thành hôn, cô dâu khăn gói lên đường. Cô vào tận miền Nam xa tắp tít. Đi để làm gì, thì cô bảo là để thăm chị Êlidabét, một bà già vô sinh mà mới được Chúa cho có thai. Ở chơi mút mùa trong Nam tới ba tháng, cô dâu mới trở về Nadarét. Cô đi một mình, bây giờ về, thì mang theo một thai nhi ba tháng.
Bà mẹ ruột và bà mẹ chồng của cô nhìn nhau và tủm tỉm cười một cách bí hiểm. Hai bà rất sợ con mình vô sinh. Bây giờ nỗi sợ ấy đã biến thành chuyện buồn cười. Bà này nháy bà kia : “Chúng nó ấy hơi sớm đấy. Nhưng mà : kệ... miễn là có cháu bồng thì thôi”. Xóm giềng ai cũng bảo thế. Chỉ có một người vừa buồn tê tái, vừa giận như điên. Đó là chú rể. Chỉ một mình chú biết cái bầu ấy là kết quả của tội ngoại tình, của tội gian dâm, của tội phản bội. Người phản bội, thì phải ném đá cho chết. Người bị phản bội thì cũng chẳng còn gì để mà sống trên đời này nữa... Ôi thê thảm quá chừng !
Cha kính mến.
Người con trai đang nghiến răng, trợn mắt và đấm nắm tay vào không khí ấy là Cha đấy. Cha vừa phải lãnh vào đời cái nhục nhã lớn nhất của một kiếp mày râu. Cha hướng về tác giả Thánh vịnh 100 để hỏi ý kiến. Ông ấy trả lời nhanh như phản xạ : “Những thứ ấy phải quét sạch thành đô, không sót một tên”. Cha quay sang hỏi ông Môsê, ông ấy ra lệnh : “Ném đá cho chết”. Cha đưa mắt thăm dò ý kiến của mọi người từ trong thân tộc ra tới người dưng nước lã, thì mọi người đều trả lời cái rụp : “Giết !”.
Cha bưng mặt suy nghĩ :
+ Nếu nó hư với người ta, thì nó phải trốn biệt tăm. Tại sao nó lại dám vác mặt về làng để chết đau, chết nhục ?
+ Biết chắc phải chết đau chết nhục, thì tại sao mặt nó cứ tỉnh bơ, cứ đơn sơ, cứ hồn nhiên như thiên thần, cứ vui vẻ, cứ ríu rít như con sáo ?
+ Tại sao loài người lại độc ác, lại ném đá như mưa trên một nữ nhi yếu đuối như thế kia ? Nàng phải gào thét lên một cách tuyệt vọng và ngã gục trên đống đá đỏ lòm như máu ? Và còn một thai nhi vô tội...
+ Tại sao thấy người sa ngã mà không cứu vớt, lại còn xô đẩy và loại trừ.
Cha nghĩ, nghĩ mãi, rồi thiếp ngủ hồi nào không hay. Cha ngủ mà vẫn ngồi. Bỗng... có sứ thần hiện đến, đặt tay lên vai Cha và nói : “Giuse ơi ! Maria thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Cô ấy sẽ sinh một con trai, anh phải đặt tên cho bé là Giêsu. Người sẽ là Đấng Cứu độ muôn dân. Anh yên tâm rước Maria về đi nhá !”.
Cha bàng hoàng, đứng dậy, dang thẳng cánh tay, la lên một tiếng như sét nổ : “Trời !”.
3. Cõi lòng lại nát tan
Chàng rể đang mừng như điên, bỗng sụ mặt xuống. Xấu hổ quá chừng ! Hối hận quá thể !
+ Tại sao một nàng tiên tuyệt vời như thế mà mình nỡ tâm bảo là ngoại tình, là gian dâm, là phản bội. Chúa ơi ! Con tội lỗi quá, xin Chúa tha cho con ! Maria ơi ! Anh tội lỗi quá, anh bất công quá ! Xin em tha cho anh ! Nhưng liệu tội này có tha được không ? Anh đáng bị ném đá, chứ không phải là em...
+ Tôi không xứng đáng là một người chồng của một thiên thần cao quý như thế. Ôi Mẹ Đấng Cứu thế ! Ôi bà Hoàng Thái Hậu của một Đấng ngồi trên ngôi báu vua Đavít! Tôi không đủ can đảm để rước Người về làm vợ đâu. Tôi xin chui vào bóng tối, để sám hối suốt đời.
+ Nhưng Sứ thần của Chúa lại bảo tôi : “Hãy rước Maria vợ của Anh về”. Chúa ơi ! Xin tha cho con. Con không dám đâu. Nhưng... làm sao tôi dám cưỡng lại lệnh của Đấng Toàn Năng. Chúa ơi ! Con xin vâng. Nhưng xin Chúa phù hộ con với...
Đó là tâm tư của Cha sau khi được Sứ thần thanh minh cho Mẹ đáng yêu của con. Con hiểu Cha rất rõ, nên con thương Cha vô vàn, mà cũng kính trọng Cha vô cùng.
4. Một đám rước dâu chẳng giống ai
Theo Luật, thì sau đám nói : đôi trai gái thành vợ chồng. Nhưng theo lệ, thì một năm sau mới rước dâu. Thế mà mới làm đám nói được hơn ba tháng, thì đã rước dâu rồi, mà cô dâu thì đã có bầu. Cả làng chẳng ai chống đối. Khách mời chẳng ai từ chối. Tiệc mừng vẫn chan hòa niềm vui. Nhưng ánh mắt nào của khách mời cũng hấp háy; nụ cười nào của người cụng ly cũng hàm hai ý. Bạn trai thì nhéo chú rể, vừa nhéo vừa chọc : “Nôn nóng thế”. Bạn gái thì ghé tai cô dâu, cười hí hí. Cô dâu đi bên chú rể : hồn nhiên và đẹp xinh. Chú rể đi bên cô dâu : oai phong như vệ sĩ.
Tiệc tàn : khách mời ra về; thân nhân dọn dẹp. Cô dâu kéo áo chàng rể. Hai người đi nói chuyện riêng.
- Anh thông cảm cho em sống khiết tịnh suốt đời nha.
- Khỏi nói. Anh đã quyết định như thế rồi. Đó là ý Chúa, ý nhiệm mầu vô cùng.
Lạy Cha đáng kính của con.
Nhìn lại bốn sự cố, con cảm phục Cha vô cùng. Cha được giáo dục và lớn lên trong tinh thần của Cựu Ước và của đường lối mục vụ khe khắt và cứng ngắc của các ông kinh sư. Thế mà Cha lại mang tinh thần bác ái vị tha như Thầy Giêsu của con. Thầy con không đồng ý ném đá người ngoại tình. Thầy con còn thách thức các ông kinh sư rằng : “Ai trong các ông thấy mình sạch tội, thì ném đá người này đi”. Cha giống Thầy của con như đúc.
Thầy con tuyên bố với các ông Pharisêu rằng : “Tôi đến để cứu người tội lỗi...”. Cha cũng nghĩ thế nên không tố cáo Mẹ con để Người khỏi bị ném đá. Lòng của Cha bao dung như lòng của Thầy Giêsu của con.
Thầy Giêsu của con chịu đóng đinh một cách oan khiên và đau đớn, để cho người tội lỗi như con được cứu thoát. Cha cũng thế. Cha bỏ qua mọi chuyện để Mẹ con được sống, được sinh con, mà không ai dám kết án. Còn Cha thì đành chịu âm thầm tủi nhục một mình. Cha ơi! Sao Cha giống Thầy của con quá như vậy ?
Cha ơi ! Cha cho con quỳ xuống để xá Cha một ngàn cái, để nói lên hết tấm lòng của con đối với Cha : Tội nghiệp quá ! Đáng thương quá! Đáng kính quá ! “Cái đáng” nào cũng vô cùng vô tận !
Con còn rất nhiều điều muốn thân thưa cùng Cha, nhưng lúc này con tim của con rộn ràng quá, con không cầm nổi cây bút nữa. Xin hẹn gặp lại Cha trong lá thư sau.
Kính yêu vô vàn !
Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU
Bình luận