Tâm sự 1
Không có thì lấy gì mà cho? Muốn cho cũng chịu. Phải có mới cho được. Xưa học tiếng Latinh, khi học văn phạm thì mình gặp được câu đó: Nemo dat quod non habet, dịch sát chữ: không ai cho điều nó không có. Điều kiện để cho là phải có trước.
Một vài ví dụ cho vui:
1. Về chuyện đời. Mình làm cha sở Đức An ở Pleiku gần 20 năm (1986-2005), chủ trương ưu tiên giáo dục về nhân bản Kitô giáo, học sinh tập viết chữ đẹp, viết chánh tả đúng, làm văn hay, trình bày bài dễ coi, đọc rõ ràng. Chiều nào mình cũng dạy sau khi các em học ở trường về, chỉ vài ba chục em thôi. Tối đến, khi đi thăm các gia đình, mình kiểm tra cặp học các em học sinh, rồi cũng góp ý cái này cái nọ. Cha mẹ các em thích lắm. Hôm đó, đến nhà bà mẹ nghèo nọ có một đứa con trai học lớp bốn. Em này có vẻ bối rối khi mình đến nhà, và cũng có mấy người hàng xóm cũng tới chơi nữa. Nó nhìn mình lấm lét. Mình bảo: “Con lấy cặp học đem cha xem”. Nó chần chừ. Mình bảo: “Nhanh lên và đem cả cái cặp cho cha xem”. Chu choa! Không biết tả làm sao nữa! Bút mực, tập vở, sách giáo khoa, khăn quàng cổ… không còn phân biệt được cái gì với cái gì! Mình tức quá, to tiếng la nó: “Học với hành kiểu gì vầy hả? Chữ nghĩa như cua bò, còn vẽ vời lung tung!”. Mình tức quá bèn hỏi nó: “Mẹ con có bao giờ coi bài vở của con không?”. Nó chỉ lắc đầu! Tức thì mình chỉa mũi dùi qua bà mẹ: “Bà có một đứa con thôi, mà thế này thế nọ”. Mình la chưa xong gì cả, bà mẹ bỗng khóc ồ ồ, mếu máo: “Thưa cha con không biết chữ mà!”. Nghe vậy, mình chưng hửng và cảm thấy mắc cỡ với mấy người ở đó, rồi cũng muốn khóc theo luôn. Tội nghiệp bà quá chừng, vì suốt đời bà không được đi học ngày nào! Sau này, đứa con một đó làm khổ mẹ nó lắm, rồi bị đưa đi “giáo dưỡng” gì đó, người mẹ buồn, rồi quy y vào chùa sau đó. Mình mất tin tức khi đổi đi xứ khác. Vậy đó, không ai có thể cho người khác điều mình không có. Giá như người mẹ này có chữ nghĩa để chỉ bảo, giáo dục con mình nên người thì có thể khác rồi.
2. Về chuyện đạo. Mình làm cha sở Thăng Thiên và Hiếu Đạo (ở TP. Pleiku) trong 10 năm (2005-2015). Hai giáo xứ, một nhà thờ. Các em học sinh ở thành phố phải “học thêm” ngoài giờ, rồi học thêm đủ thứ, nào là ngoại ngữ, học võ, học đàn, học thể dục…, trong khi xem việc học giáo lý là không quan trọng. Hình như có những bậc cha mẹ cũng nghĩ như vậy. Để đền bù, mình tổ chức cho các em Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức thi vấn đáp. Hội đồng chấm thi gồm cha xứ, hai ông câu, hai giáo lý viên. Các em được rút thăm câu hỏi và soạn trước 5 phút. Người thân của em được giúp em trả lời, 90 % là các người mẹ. Nếu con trả lời không được thì mẹ trả lời thay cũng được, vì mình nghĩ khi mẹ biết thì có thể dạy con mình được. Vui nhất là các bà mẹ xúm nhau mua sách giáo lý về học, để có thể đồng hành với con mình. Mẹ con ngồi thi, giành nhau trả lời, vui đáo để! Như vậy thấy không, có mới cho được chứ!
Tâm sự 2
Mình nghĩ, không có để cho thì nhẹ “tội” hơn là có mà không chịu cho. Cuộc đời của Chúa Giêsu là chỉ để CHO mà thôi. Ngài cũng dạy con cái của Ngài là phải cho - cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới đồ mặc, rửa chân cho nhau…
Mình là linh mục, suốt đời học giáo lý thì phải dạy giáo lý; Chúa giao quyền ban Bí tích là phải “ban”, không được không ban.
Chúa cho ai nhiều thì Chúa đòi nhiều.
Chúa còn nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Tự nhiên thì con người thích nhận hơn là cho.
Mỗi người hãy xem lại điều Chúa thích, và điều mình thích và hãy làm điều Chúa thích.
***
Lạy Chúa! Xin cho con biết lo sao cho có, để con có thể cho, và xin cho con luôn biết sẵn lòng cho những gì con đang có. AMEN
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông
Bình luận