Nhiều người thường nói, Sài Gòn là nơi thu hút những đặc sản của cả nước, nhất là cây trái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nào thức nấy, muốn gì cứ ra chợ đều có cả. Vậy mà, có một thứ vẫn chưa thấy, đó là trái bần.
Cái tên “bần” nghe nghèo khổ thiệt! Nhưng đó là loài cây đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, nhất là vùng nước lợ gần biển. Cây bần có rất nhiều câu chuyện gắn bó với người dân miền sông nước bao đời. Nhiều giai thoại gắn cây bần với lịch sử thường được người ta kể lại trong lúc trà dư tửu hậu.
Chuyện rằng, thời “Gia Long tẩu quốc”, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đến một nơi thuộc vùng ven sông ở Bến Tre, lúc bụng đói, được một người dân đem cho chén cơm nguội với mắm cá và mấy trái chua. Chúa ăn khen ngon, bèn hỏi đây là trái gì, người nông dân thật thà trả lời đó là trái bần. Được chủ nhà dẫn ra bờ sông thực mục sở thị loài cây cho trái hấp dẫn này, chúa thấy chúng giống như cây liễu soi bóng xuống nước, bèn đặt tên là “thủy liễu”, chứ gọi bần nghe chẳng thanh tao. Giai thoại là vậy, tên “thủy liễu” nghe cũng hay, nhưng dân gian có mấy người gọi, và từ bao đời nó cứ vẫn là bần.
Cặp bờ sông, bên ngoài đám dừa nước mà người nông dân thường trồng để lấy lá lợp nhà và cũng để tránh sạt lở, là hàng bần trổ nhánh ra sông. Rễ bần ăn sâu dưới đất bùn, tụm lại thành từng khóm quanh gốc trông khá lạ mắt. Bông bần rất đẹp, hai hoặc ba bông chụm lại, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu trắng, hoặc phớt hồng. Thùy hoa khép vào nhau bọc lấy hàng trăm cái nhụy tựa những cái kim khâu nửa trắng muốt, nửa đỏ thắm ôm ấp một cái hạt nhân nhỏ xíu, tròn mẩy. Đầu mỗi nhụy hoa vương mấy hạt phấn vàng, quyến rũ những đàn ong tìm đến hút mật. Đặc biệt, những tháng gần Tết, vào những đêm không trăng, đi xuồng hay ghe dọc bờ sông, sẽ thấy một cảnh tượng vô cùng hấp dẫn. Không biết tự hồi nào, hàng trăm, hàng ngàn con đom đóm tìm đến đám bần lập lòe chớp tắt, không khác gì những cây Noel nơi phố thị…
Ngoài món chua khoái khẩu của các chị em, ăn sống với muối ớt hay mắm ruốc, bần còn dùng trong bữa cơm gia đình qua bàn tay chế biến của những người nông dân chất phác. Nào là canh chua cá linh nấu với bần, bần chua ăn cùng mắm sống, bần chín dầm cá kho hay mắm kho…
Ngoài ra, bần còn là món nhậu của các tửu đồ. Có lần, một bác sau khi nhâm nhi trái bần và ly rượu đế đã gật gù, đọc:
“Bần cưa khúc bự vô phương vác
Cú tại màng tang đứng chết trân…”
Mọi người biết bác nhại lại câu điển tích xưa: “Bần cư náo thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, được hiểu là “nghèo ở giữa chốn đô hội nhộn nhịp cũng chả ai thèm hỏi, còn giàu ở nơi xa xôi cũng có kẻ đến tìm”. Tình cảnh rất hợp với cây bần nên ai nấy vỗ tay khoái trá, khiến buổi gặp mặt lại thêm phần hào hứng.
LÊ DU
Bình luận