Nhớ quyển sách giáo lý đầu tiên

Hồi nhỏ, nhà tôi có một tủ sách tương đối phong phú. Ba tôi phân bổ các ngăn theo thể loại. Nào là chỗ để sách “Học làm người” gồm những đầu sách của Nguyễn Hiến Lê, Phạm Cao Tùng, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt; nào là ngăn sách thiếu nhi gồm phần lớn là các quyển Tuổi Hoa xanh - đỏ - tím, rồi Xì-trum, Tuổi Ngọc, Tuổi Xanh; nào là ngăn để truyện Tàu, truyện trinh thám, sách văn chương, tiểu thuyết, lịch sử. Và tất nhiên, có cả ngăn dành riêng cho gần 20 tác phẩm của linh mục triết gia Kim Định mà ông yêu thích…

Quyen SGL dau tien.jpg (286 KB)

Trong số những “phân khu” ba tôi thiết kế cho tủ sách gia đình, có một ngăn nằm ngay phía dưới thấp - mà theo giải thích là để ai cũng thấy, dễ dàng lấy ra đọc - là ngăn để sách Công giáo. Suốt tuổi thơ mình, tôi thuộc nằm lòng vị trí nào để bộ Hạnh Các Thánh gồm 4 quyển dày cộm, gồm tiểu sử và quá trình nên thánh của các vị được Giáo hội kính theo trình tự trong năm phụng vụ; đâu là chỗ để các quyển Sấm Truyền Cũ có tranh vẽ kèm theo; rồi những cuốn Cuộc Đời Chúa Giêsu, Cuộc Đời Đức Mẹ, Tân Ước, Cựu Ước, Cha Damien - Tông đồ người cùi, Lời Chứng Thứ Nhứt, Lạc Quan Trên Miền Thượng… cũng được anh chị em tôi đọc lui đọc tới nhiều lần. Nhưng có hai quyển mà ba không để trong các ngăn kệ mà luôn đặt trang trọng trên bàn thờ, đó là quyển Sách Lễ Roma chữ đỏ và quyển Trường Chúa Dạy. Sách lễ thì có lẽ do ai đó tặng chứ không chắc ba tôi mua, vì đó là sách… để các cha dâng lễ. Nhưng quyển Trường Chúa Dạy thì thật sự là một “bửu bối” mà ông âm thầm dùng để hướng con cái chạm đến những kiến thức Công giáo sơ đẳng. 

Đây là quyển sách khổ lớn, bìa cứng vẽ tranh màu, với hình ảnh Chúa Giêsu ngồi cùng các em nhỏ có gương mặt rất Việt Nam: đứa áo dài, đứa quần cụt, có đứa áo bà ba quần vải lanh, đi guốc… Ở các trang trong, tranh gần như chiếm hết hai phần ba trang, vẽ minh họa bằng bút kim, mực in chữ và hình cùng một gam màu xanh lá cây đậm, rất mạch lạc và có cảm giác gần gũi.

Sách là một dạng dạy giáo lý bằng hình, từ khởi thủy nhân loại đến thời Tân Ước, do linh mục Trần Hữu Thanh - một vị thuyết giảng nổi tiếng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế - biên soạn. Đến bây giờ, sau gần 50 năm, khi nghe nhắc đến A-dong và E-và (cách viết trong sách), tôi vẫn hình dung ngay hình ảnh hai người và con rắn đứng bên cây táo trong vườn địa đàng mà tôi được biết đến lần đầu tiên qua quyển Trường Chúa Dạy; hai anh em con của ông bà được phiên âm trong sách là Ca-in và A-bê-lê cũng là các nhân vật nhờ quyển sách mà tôi nhớ mãi đến hôm nay, nhớ rõ mồn một cái hình Ca-in mặt dữ tợn cầm hòn đá lớn xuống tay với em vì đố kỵ; rồi cái giếng nước cũng được vẽ hai lần trong sách: một lần ở phần Cựu Ước, với hình minh họa những người anh của ông Giu-se con tổ phụ Gia-cóp trói thả em mình xuống do ganh ghét; lần khác là hình Chúa Giêsu ngồi bên giếng xin nước uống từ người phụ nữ Sa-ma-ri…

Rất nhiều những hình ảnh gợi nhớ lâu và góp phần chuyển tải nội dung (cũng được chọn lọc từ tình huống đến lối dẫn chuyện) vào ký ức trẻ thơ một cách nhẹ nhàng nhưng sâu đậm như vậy. Cách chọn hình biểu trưng để minh họa cũng giúp những đứa trẻ phân định được tốt - xấu, thiện - ác; hay mặc nhiên thuộc được những bài học rằng nếu ganh ghét, đố kỵ sẽ không đem đến những điều tốt đẹp.

Quyển sách vẫn được gia đình chúng tôi lưu giữ đến ngày nay, và cũng như ba tôi ngày trước, sau này, tôi cũng cho các con tôi tiếp cận Thánh Kinh sơ khởi bằng cách đọc quyển Trường Chúa Dạy, như đọc truyện. Tôi vẫn nhớ hoài những buổi trưa rảnh rỗi hồi còn bé, sau khi ngủ dậy, ba tôi lại từ tốn bắc ghế đứng lên bàn thờ, đưa quyển sách xuống và nói khẽ: “Đọc Trường Chúa Dạy đi con!”.

Quả là một cách giáo dục đức tin cho con một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, không khuôn khổ, giáo điều...

 Lê Có - TPHCM

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Nhớ bà thành nếp nhà
Nhớ bà thành nếp nhà
Giờ, bà đã đi xa. Cả nhà tôi thường nấu những món bà thích, làm những việc bà thường làm, nhắc đến bà trong mọi chuyện. Nhớ đến bà trở thành một nếp nhà mỗi khi họp mặt đông đủ, chứ không chỉ riêng ngày giỗ hay vào tháng 11...
Giữ gìn chức năng của đường sách
Giữ gìn chức năng của đường sách
Mới đây, đường sách Vũng Tàu tạm ngừng hoạt động, trong sự tiếc nuối đan xen tiếng thở dài của những ai từng có dịp đặt chân tới đây.
Niềm vui cùng Luce
Niềm vui cùng Luce
Sự kiện Tòa Thánh Vatican công bố nhân vật biểu tượng cho Năm Thánh 2025 theo phong cách hoạt hình trẻ trung, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Nhớ bà thành nếp nhà
Nhớ bà thành nếp nhà
Giờ, bà đã đi xa. Cả nhà tôi thường nấu những món bà thích, làm những việc bà thường làm, nhắc đến bà trong mọi chuyện. Nhớ đến bà trở thành một nếp nhà mỗi khi họp mặt đông đủ, chứ không chỉ riêng ngày giỗ hay vào tháng 11...
Giữ gìn chức năng của đường sách
Giữ gìn chức năng của đường sách
Mới đây, đường sách Vũng Tàu tạm ngừng hoạt động, trong sự tiếc nuối đan xen tiếng thở dài của những ai từng có dịp đặt chân tới đây.
Niềm vui cùng Luce
Niềm vui cùng Luce
Sự kiện Tòa Thánh Vatican công bố nhân vật biểu tượng cho Năm Thánh 2025 theo phong cách hoạt hình trẻ trung, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Những ngày nhà giáo buồn
Những ngày nhà giáo buồn
Xin đừng hiểu lầm là ngày 20/11 buồn vì cô giáo không có quà, không nhận được lời chúc mừng. Xưa, lúc tôi là giáo viên trung học, ngày này rất vui. Tôi vẫn nói cùng học trò mình rằng món quà ý nghĩa nhất các em dành cho thầy...
Tiếng “dạ” trên môi
Tiếng “dạ” trên môi
Chị nói làm nghề này em phải nhớ là luôn xài chữ “dạ”. Lời dạy nhập môn ấy đã gần hai mươi năm qua, tôi vẫn còn ghi nhớ.
Tri ân thầy dạy đức tin
Tri ân thầy dạy đức tin
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, các em Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Bình Thuận (TGP TPHCM) đã trao tặng đến linh mục chánh xứ, linh mục tuyên úy xứ đoàn, các nữ tu, anh chị huynh trưởng và giáo lý viên những đóa hoa đơn sơ
Nhớ Cuore với những tấm lòng cao cả
Nhớ Cuore với những tấm lòng cao cả
Tôi không nhớ rõ đã bao lâu rồi, nhưng nếu chỉ tính từ lúc giã từ nghề dạy học thôi thì đến nay cũng đã gần 30 năm tôi không đọc lại cuốn sách từng một thời bị mê hoặc.
Cuộc mưu sinh và cái tình với mối mang
Cuộc mưu sinh và cái tình với mối mang
Bạn có công nhận, cho dù kinh doanh lớn cỡ tập đoàn, công ty hay đơn giản là tiệm tạp hóa vùng quê, gánh khoai hay bắp nấu… cũng đều có mối mang?
Lỗi hẹn trong “Và em, lễ khấn dòng”
Lỗi hẹn trong “Và em, lễ khấn dòng”
“Và em, lễ khấn dòng” là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Ðình Bảng, sau các tác phẩm gồm sách giảng văn, giáo trình sách giáo khoa, thơ, văn, ký..., xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay.