Tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã tổ chức hội thảo định hướng truyền thông cho báo chí về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) từ ngày 9 – 10.11.2015, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Gia Đình (Bộ VH-TT&DL); chuyên gia thuộc UNFPA; đại diện báo đài tại TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam.
Các nhóm thảo luận tại hội thảo |
Tại hội thảo, tham dự viên đã được phổ biến những văn bản, chính sách về phòng chống BLGĐ, được nghe các chuyên gia hệ thống lại các khái niệm về bình đẳng và bất bình đẳng giới, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ...
Những người làm truyền thông cũng được lưu ý khi thu thập và đưa tin các vụ BLGĐ, trong đó, có những điểm đáng quan tâm như dùng đúng thuật ngữ, đánh giá, xem xét các tác động, nhìn nhận BLGĐ trong một quá trình và theo chu kỳ, tránh mô tả đây chỉ là “vấn đề mâu thuẫn”, tránh đặt ra những câu hỏi, câu khẳng định có hàm ý đổ lỗi cho nạn nhân, tránh miêu tả BLGĐ như một bi kịch không lối thoát... Làm sao tuyên truyền để cộng đồng hiểu phòng chống BLGĐ là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội chứ không phải là chuyện riêng của gia đình, người gây bạo lực là vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm minh theo quy định, khi phát hiện vụ việc, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi tạm lánh an toàn; cung cấp những nguồn, địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực, phổ biến các kỹ năng ứng phó giúp họ khỏi tình trạng nguy hiểm, tránh tiết lộ thông tin về nạn nhân (tên, địa chỉ) trên các phương tiện đại chúng... Các nhà báo cũng được khuyến khích viết về gương điển hình và mô hình tiêu biểu trong phòng chống BLGĐ ở cộng đồng.
Bên cạnh những chia sẻ, hướng dẫn của các chuyên gia, người tham dự đã được chia nhóm để thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan đến phòng chống BLGĐ nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông.
LAN GIAO
Bình luận