Ðược khởi động từ ngày 19.5.2024, trải qua thời gian gần 4 tháng với các vòng thi, chương trình “Tiếng hát giáo đường” mùa giải III đã khép lại trong bầu khí ấm áp, sôi động. Lễ trao giải vừa diễn ra tối ngày 8.9 tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường (TGP TPHCM).
Xuất phát từ thực tế giới trẻ Công giáo đang ít sân chơi về âm nhạc, CLB Lửa Hồng (trực thuộc Ban Mục vụ Giới Trẻ TGP TPHCM) đã có sáng kiến tổ chức một cuộc thi hát, nhằm thúc đẩy, làm dậy lên tình yêu thánh ca trong lòng đông đảo giáo dân. Năm 2018, “Tiếng hát giáo đường” đã mở ra mùa giải đầu tiên. Ban đầu, cuộc chỉ giới hạn trong phạm vi TGP TPHCM nhưng sau đó đã mở rộng ra các giáo phận khác, thu hút sự tham gia của hơn 200 thí sinh. Nhạc sĩ Lê Đức Hùng, người đứng đầu CLB Lửa Hồng chia sẻ:“Qua âm nhạc, cùng nhau sống, khám phá và loan báo Tin Mừng”. Đây cũng là cơ hội tìm kiếm, quy tụ tài năng, đóng góp hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội.
Tiếp nối hai mùa giải 2018 và 2020, “Tiếng hát giáo đường” mùa III thu hút 250 thí sinh từ khắp nơi tham dự. Trải qua 5 vòng thi, các bạn trẻ đã nỗ lực hết mình để thể hiện tài năng. Khác với các cuộc thi âm nhạc ngoài xã hội, đến với “Tiếng hát giáo đường”, mỗi thí sinh không chỉ trau dồi, luyện tập để giọng hát được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, mà còn phải toát lên được tâm hồn “nhà đạo”.
Có 6 thí sinh đã lọt vào chung kết. Ở vòng thi này, mỗi người trải qua 3 phần: đơn ca hoạt cảnh, đơn ca tự chọn và song ca. Có thể thấy được sự sinh động rõ nét khi các thí sinh đã có nhiều sáng tạo, “làm mới” mình tại vòng thi cuối, từ trang phục đến phong cách thể hiện. Khán giả đã đi từ bất ngờ đến thú vị khi không chỉ được nghe hát mà còn được xem các “ca sĩ” hóa thân vào các vai diễn, tái hiện lại cuộc đời Chúa Giêsu. Một số câu chuyện nổi bật từ Kinh Thánh đã được chọn để đưa vào các hoạt cảnh như sự trở về của người con hoang đàng hay chuyện người phụ nữ ngoại tình bị ném đá… Các bạn trẻ cũng thể hiện được nét riêng ở phần đơn ca tự chọn, với sự phụ trợ của nhóm bè. Còn với song ca, mỗi bài hát với sự kết hợp 2 thí sinh, lúc này họ không còn là “đối thủ” đang tranh tài mà thực sự hòa quyện, phối hợp ăn ý, nhường nhau hoặc có sự bổ sung cho nhau để nâng bài hát lên. Người xem thấy được tinh thần Công giáo trong một cuộc thi, đúng như nhạc sĩ Lê Đức Hùng từng nhắn gởi ngay từ lúc khởi động chương trình: “Đây không phải là nơi để khoe tài hoặc tranh tài, nhưng là dùng tiếng hát để ca tụng Chúa, để nối kết mọi người và lan tỏa giá trị Tin Mừng”.
Ban tổ chức đã công bố các gương mặt sáng giá nhất cho vòng chung kết xếp hạng. Trong đó, giải Á Quân 2 được trao cho thí sinh Anna Điểu Thị Bích Thủy; giải Á Quân thuộc về Phanxicô Xaviê Phạm Thiên Phúc; người đạt giải Quán Quân lần này là thí sinh Phêrô Huỳnh Phước Sơn. Ngoài ra, còn có thêm các giải cho thí sinh được yêu thích nhất, thí sinh triển vọng, ấn tượng hay giải do Hội đồng chuyên môn bình chọn…
Ðức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh cùng một số linh mục đã hiện diện trong chương trình, dâng thánh lễ tạ ơn và trao thưởng cho những giọng ca đoạt giải.
Một mùa giải khép lại với nhiều xúc cảm. Trò chuyện với Tôn Quý Long, người nhận danh hiệu “Thí sinh được yêu thích nhất”, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc ánh lên trên gương mặt anh bạn trẻ. Đến từ giáo xứ Bến Cát (giáo hạt Gò Vấp), Long cho biết đã chuẩn bị tinh thần trước đó để hát hết mình, trong tâm thế mang tiếng ca dâng lên cho Chúa với tất cả tâm tình, đồng thời cũng mong tiếng hát của mình có thể giúp người khác đến gần với Chúa và yêu thích thánh ca hơn. “Người hát thánh ca phải kết hợp với đời sống tốt lành, tôi cũng luôn nhủ bản thân sống tốt, như những điều mình hát…”, Tôn Quý Long trải lòng.
Các giọng ca nhà đạo dù được giải hay không đều cảm nhận niềm vui lan tỏa, bởi họ không chỉ đơn thuần thể hiện tài năng trên sân khấu mà điều quan trọng hơn là được vinh danh Chúa qua lời ca tiếng hát.
Liên Giang
Bình luận