VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
I. LỊCH SỬ ĐỀN THỜ
Đền thờ Thánh Phêrô là thành quả công trình tái thiết đầy công phu trên ngôi đền thờ cổ kính do Hoàng Đế Costantino kiến thiết vào năm 320. Để xây Đền Thờ mới, người ta đã mất khoảng 120 năm, tính từ đầu thế kỷ 16, dưới sự điều khiển của 12 kiến trúc sư, trong đó có những người nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello và Maderno. Cả đền thờ cũ cũng như đền thờ mới đều được xây trên mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ, được an táng trên sườn đồi Nerone. Mái vòm to lớn của đền thờ do Michelangello vẽ kiểu nhìn xuống thành Roma, trở thành điểm hội tụ lý tưởng nhắc nhớ ngôi mộ đơn sơ của Thánh Phêrô, là Đá Tảng trên đó Chúa Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Hàng cột vòng do kiến trúc sư Bernini thiết kế giống vòng tay mở rộng, như một dấu hiệu tiếp đón yêu thương, nhấn mạnh ý tưởng Mẹ Giáo Hội, trong Chúa Kitô, trở thành một cộng đoàn các anh chị em, thuộc nhiều dân nước khác nhau.
1. Đền thờ Thánh Phêrô thời Hoàng Đế Costantino
Trong khu vực hý trường của Hoàng Đế Nerone, giữa sông Tevere, đồi Gianicolo và Vaticano - nơi mà Hoàng Đế La Mã đã ra lệnh hành hình các tín hữu Kitô - theo truyền thống, cũng là nơi thánh Phêrô chịu tử đạo, và thi hài Ngài được an táng tại nghĩa trang đó cùng với các vị tử đạo khác. Hý trường này do hoàng đế Caligola (37-41) khởi xướng và được Nerone (54-68) hoàn tất. Ban đầu được dùng làm nơi đua xe ngựa, về sau làm nơi các đấu sĩ giao đấu với dã thú. Đức Anacleto, vị Giáo Hoàng thứ 3 của Giáo Hội, từ năm 77 đến 88, đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ dâng kính Thánh Phêrô. Sau này Hoàng Đế Costantino cho xây dựng tại nơi đó ngôi thánh đường vĩ đại gồm 5 gian và tồn tại cho đến cuối thế kỷ 15.
Mô hình Đền thờ Thánh Phêrô cũ |
Các văn sĩ thời đó kể lại: năm 324, Hoàng Đế Costantino ngự xuống khu vực Vaticano với quân gia hùng hậu, và phủ phục trước mộ Thánh Phêrô, cởi bỏ hoàng bào, cầm chiếc xẻng lớn và chính ngài bắt đầu đào, xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Đường mới. Hoàng đế cũng đổ đầy và vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Đồ. Con của ngài là Hoàng Đế Costante đã được vinh dự hoàn tất công trình to lớn xây cất đền thờ vào năm 349, sau 25 năm kiến thiết. Các bức họa và hình khắc chạm trổ cổ kính cho thấy Đền Thờ do Hoàng Đế Costantino xây cất không khác lắm so với các Vương Cung Thánh Đường Kitô khác ở Roma, xét về cơ cấu kiến trúc. Nhưng qua các thế kỷ, thánh đường này càng trở nên phong phú nhờ sự quan tâm đặc biệt của các vị Giáo Hoàng cũng như của các ông vua Italia và nước ngoài.
Sự biến cải đền thờ Thánh Phêrô diễn ra qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 12 thế kỷ, đền thờ này được trang điểm phong phú hơn với những bức tường được gắn cẩm thạch, các bàn thờ được tô điểm, và các hậu cung đền thờ được trang trí bằng những bức tranh khảm. Đá cẩm thạch quý giá được gỡ từ các đền đài dinh thự hoặc đưa từ Đông Phương về, gỗ hương được cắt từ những rừng xứ Liban, kim loại bóng loáng, những cánh cửa đồng từ vùng Byzantine với vải vóc do các thương gia miền Venezia nhập khẩu; gạch men từ các công xưởng miền Limoge, kiếng từ vùng Renana, các bức thảm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Sicilia; vải vóc của Ý, Anh, Tây Ban Nha; các đèn và bình hương bằng vàng bạc, tất cả được dùng để trang trí cho đền thờ, nhà nguyện, bàn thờ, nhà dành cho linh mục và các tượng đài khác.
Các hoàng đế và vua chúa đến Đền Thờ Thánh Phêrô để được các Đức Giáo Hoàng phong vương: Carlo Đại Đế là vị đầu tiên được Đức Leo III (795-816) đội triều thiên tấn phong vào dịp lễ Giáng Sinh năm 800. Sau khi chào Hoàng Đế với danh hiệu “Carlo Augusto Đại Hoàng Đế Thái Bình của dân Roma”, ĐGH dùng dầu thánh xức cho Hoàng Đế và thắt gươm cho ông giữa tiếng reo vui mừng của người Pháp và Ý. Sau vị Đại Đế này, những người kế vị ông là Lotario và Ludovico II, và bao nhiêu vị khác cho đến Federico III đều được phong vương trước mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Cũng như hòn đá ở Campidoglio (nay là Tòa Đô Sảnh Roma) - giữ gìn tinh hoa sống động nhất của tinh thần Roma trong thời Trung Cổ và Phục Hưng, tảng đá phủ thi hài thánh Phêrô được coi là nơi cực thánh của thế giới Kitô giáo, được bao nhiêu tín hữu sùng mộ, hầu như hơn cả Thánh Mộ ở Jerusalem.
2. Xây Đền Thờ Thánh Phêrô mới
Vaticano chỉ là nơi các vị Giáo Hoàng cư ngụ từ năm 1377 và trước khi giáo triều được chuyển sang Avignon (1309-1377), miền Nam nước Pháp, dinh của các vị Giáo Hoàng tọa lạc tại Laterano. Trong 73 năm Đức Giáo Hoàng ở Avignon, Đền Thờ thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu được. Thực vậy sau một ngàn năm huy hoàng, Đền Thờ do Hoàng Đế Costantino xây cất bắt đầu có những dấu hiệu tàn lụi, nhất là nơi các bức tường, đặc biệt là những tường phía Nam. Những tường này được xây trên những gạch vụn của hý trường và các dinh thự cổ kính khác. Vì thế, các vị Giáo Hoàng đã nảy ra ý tưởng xây lại hoàn toàn một Đền Thờ mới. Nói đúng ra, không phải chỉ vì nhu cầu cần phòng ngừa nguy cơ Đền Thờ cũ sụp đổ, nhưng còn vì tinh thần thời đó không nhận ra nơi Thánh Đường cũ kỹ ấy sự huy hoàng vĩ đại như thời Phục Hưng đòi hỏi. ĐGH Nicolo V (1447-1455) là người đầu tiên đã đi tới quyết định tiến hành việc xây Đền Thờ Thánh Phêrô mới, và ủy thác cho kiến trúc sư Bernardo Rossellino nhiệm vụ xúc tiến. Theo dự án của nhà kiến trúc này, đền thờ mới có một cổng phía trước và có hình thánh giá Latinh, với một mái vòm lớn ở giữa và khu hậu cung có hình bán nguyệt.
Đền thờ Thánh Phêrô mới |
Sau khi phá hủy một số phần của đền thờ, người ta bắt đầu xây khu hậu cung Đền Thờ mới. Nhưng Đức Giáo Hoàng Nicolo qua đời vào tháng 3 năm 1455, nên công trình xây cất bị ngưng lại. Các vị kế nghiệp dường như từ bỏ ý tưởng xây Đền Thờ mới, và chỉ nghĩ tới việc trang trí và phong phú hóa Đền Thờ cũ. Mãi cho đến thời Đức Giáo Hoàng Giulio II della Rovera (1503-1513) mới tiếp tục công trình bị bỏ dở dang, do ý muốn tìm một chỗ xứng đáng cho lăng tẩm của mình, và Michelangelo đã trình bày họa đồ cho ngài. Khi Michelangelo tới Đền Thờ Thánh Phêrô xem nơi nào có thể đặt mộ của ĐGH Giulio II, ông thấy nơi thích hợp nhất chính là khu hậu cung mới do Đức Nicolo V khởi công xây cất và ông khuyên Đức Giáo Hoàng tiếp tục xây cất. ĐGH hỏi phí tổn sẽ là bao nhiêu, Michelangelo trả lời là 100 ngàn đồng vàng. Đức Giulio II đáp: “Hãy làm với 200 ngàn đồng”, và ngài sai hai kiến trúc sư San Gallo và Donato Bramante đi xem địa điểm, và ngài muốn xây lại Đền Thờ hoàn toàn mới.
Khi Bramante nhận lệnh của ĐGH Giulio II (1503-1513) phá bỏ Đền Thờ cũ để xây Đền Thờ mới, tức là Đền Thờ Thánh Phêrô ngày nay, dân Roma kinh ngạc theo dõi việc phá Đền thờ cũ và họ đặt tên cho ông Bramante là “Kiến trúc sư phá nhà”. Trong những năm ấy, nhiều dự án nối tiếp nhau, cho đến khi Michelangelo lúc đó đã gần 70 tuổi, bắt đầu xây mái vòm. Sau khi Michelangelo qua đời (1564), 4 kiến trúc sư khác tiếp tục. Mặt tiền do Carlo Maderno làm xong năm 1614. Ngày 18.11.1626, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến Đền thờ mới, nhân kỷ niệm 1.300 năm thánh hiến Đền Thờ do Hoàng Đế Costantino thiết lập. Về sau, kiến trúc sư Giuseppe Valadier đã thực hiện hai đồng hồ ở mặt tiền đền thờ vào năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái có quả chuông chu vi 7.5 mét, nặng 9,3 tấn.
(còn tiếp)
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận