Những tập tục, những niềm tin được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thời đại thì được gọi là truyền thống. Truyền thống thì bao giờ cũng được tôn trọng, vì nó tồn tại lâu dài mà không bị đào thải. Nhưng truyền thống không thể đồng nghĩa với chân lý vì có rất nhiều truyền thống dù tồn tại lâu dài cũng vẫn có ngày bị đào thải. Cũng có không thiếu những niềm tin rất phi lý mà vẫn tồn tại lâu dài. Điều ấy không chỉ đúng ở ngoài đời mà đúng cả ở trong đạo nữa.
1.Những truyền thống ở ngoài đời đang được tôn trọng qua nhiều thế kỷ bỗng dưng mai một.
Răng đen có một lịch sử lâu dài có lẽ vài ngàn năm. Nó được tôn vinh là văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó ngự trị trên ngai như một bà chúa. Nó khống chế từ mỹ thuật đến đạo đức.
Trải qua nhiều ngàn năm, trăm người như một, ngàn người như một đều bảo rằng răng đen là tuyệt đẹp. Người con gái yếm thắm, váy lĩnh, tóc bỏ đuôi gà, mà răng không đen thì không thể là gái đẹp được. Người con gái có mười cái thương, thì răng đen là cái thương thứ bốn.
“Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng ánh hạt huyền kém thua”.
Răng đen không những đẹp mà còn đạo đức nữa. Cũng hàng bao nhiêu ngàn năm, răng đen là răng của người đạo đức nết na. Răng trắng bị coi là răng của loài trâu loài ngựa.
Răng đen có một lịch sử oai hùng như thế đó, thế mà nó đã bị đào thải một cách không tiếc xót.
¨Trầu cau cũng là một truyền thống được duy trì và truyền tụng từ một lịch sử lâu dài dường như đồng thời với lịch sử dân tộc Việt Nam.
Có một huyền thoại về trầu cau. Hai anh em ruột cùng yêu một cô gái. Nhưng người anh may mắn được kết duyên với nàng. Người em buồn, bỏ làng đi lang thang, nhảy xuống dòng sông tự vẫn, biến thành tảng đá. Anh đi tìm em, ngồi trên tảng đá mà chết, biến thành cây cau. Người vợ đi tìm chồng, ngồi trên tảng đá ôm cây cau mà chết biến thành dây trầu... Đá vôi, lá trầu, quả cau kết với nhau tạo ra quết trầu màu đỏ. Đỏ thắm là tình vợ chồng.
Vì thế đám cưới nào cũng phải có mâm trầu cau. Đố ai dám phá lệ.
Trong xã giao thì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đố ai dám coi thường.
Vậy mà “trầu cau” chỉ còn sống gượng gạo trong đám cưới. Trầu cau tươi được thay thế bằng trầu cau giả. Trong xã giao, thì “miếng trầu” chỉ còn là trò đùa.
Cái váy của đàn bà được coi là căn cước của phụ nữ Việt Nam. Ông cha chúng ta rất hãnh diện về điều đó. Bởi thế nên mới có câu đố sau đây:
“Cái thúng mà thủng hai đầu.
Bên ta thì có bên Tầu thì không”.
Cái váy có một truyền thống lâu dài. Nó kiên cường tới mức luật của vua Gia Long cấm mặc váy thì chỉ có đàn bà miền Nam tuân giữ. Đàn bà miền Bắc cứ mặc váy vì “phép vua thua lệ làng”. Thế rồi cuối cùng cái tục mặc váy truyền thống chết lần chết mòn. Khởi đầu từ cuộc Cách mạng Tháng Tám và chấm dứt vào khoảng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước.
2. Những truyền thống trong đạo cũng có một số phận như truyền thống ngoài đời.
Môsê viết luật vào thế kỷ 13 trước Công nguyên. Luật ấy trở thành thánh và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Người ta tin nó là chân lý tuyệt đối tưởng như muôn đời không thể thay đổi. Thế mà Đức Giêsu đã nhiều lần nói “không” với Luật thánh ấy.
Chương 11 của sách Lêvi phân biệt thức ăn thành hai loại: thanh và uế. Luật ấy thấm vào tư tưởng, thấm vào máu của người Do Thái. Thế mà Đức Giêsu đã tuyên bố: “Mọi thức ăn là thanh hết” (Mc 7,19).
Thánh luật của Môsê cho phép ly dị (Đnl 24,1). Mười ba thế kỷ ai nấy cứ thế mà thi hành. Nhưng Đức Giêsu lại bảo rằng: “Vì lòng dạ lì lợm của các ngươi mà Môsê đã viết ra điều đó, chứ thuở ban đầu không phải là thế” (Mt 19,8). Lại một truyền thống hụt hẫng sau mười ba thế kỷ vững như bàn thạch.
Theo thánh luật của Môsê thì người ngoại tình phải bị ném đá. Chẳng ai dám cãi, chẳng ai dám làm ngược vì đó là truyền thống thánh, truyền thống lâu đời (Lv 20,10). Thế nhưng Đức Giêsu đã thách thức với luật ấy. Ngài tuyên bố: “Ai sạch tội thì lấy đá ném trước đi”. Một truyền thống thánh rơi tõm xuống sông.
Luật Môsê gồm sách Lêvi, Đệ nhị luật, một phần của sách Xuất hành và Dân số. Người Do Thái trung thành giữ luật ấy qua mọi thời. Nhóm Qumran bảo rằng càng giữ luật chi li chừng nào thì càng thánh chừng nấy. Người Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai cũng giữ luật Môsê cặn kẽ như thế. Giữ mãi cho tới lời tuyên bố của Thánh Phêrô ở Công đồng Giêrusalem: “Chúng ta không được quyền thách thức Thiên Chúa mà quàng trên cổ anh em tín hữu cái ách mà cả ông cha chúng ta và chúng ta vác không nổi” (Cv 15,10). Ôi một truyền thống lâu đời!
Từ thời Đavít, có một niềm tin lưu truyền suốt 10 thế kỷ. Từ cha đến con, từ ông đến cháu cứ nhắc nhở nhau rằng: Đấng Cứu Thế là con vua Đavít. Thậm chí sứ thần Gáprien cũng báo tin cho Đức Maria rằng: “Cô sẽ thụ thai một cháu trai, đặt tên là Giêsu. Người sẽ ngồi trên ngai Đavít cha của Người. Người sẽ cai trị nhà Giacóp cho đến muôn đời”.
Người hành khất mù ở Giêrikhô cũng gọi Đức Giêsu là con vua Đavít.
Đoàn người cầm cành lá ôliu rước Chúa vào Giêrusalem cũng tung hô Người là con vua Đavít.
Thế rồi khi Đấng Cứu Thế đến, Người cũng chẳng hề làm vua. Một truyền thống nữa lại hẫng.
Truyền thống cũng chẳng phải là đức tin. Nó cần được duyệt lại để giữ hay để hủy bỏ. Thời gian không đủ để minh chứng một sự thật.
Tạp bút của Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu
Bình luận