Xứ đạo quê nhà 20 năm trước không có thư viện. Căn phòng học giáo lý dành cho giới thiếu nhi thậm chí cũng thiếu. Trong nhà thờ, cha sở chia ra hai khu: Dãy gần cung thánh là lớp khai tâm, tức mới tập tành đọc kinh, học các giới răn, những điều sơ khởi; lớp ở cuối nhà thờ tập trung độ tuổi lớn hơn, đã được rước lễ và còn 3 năm nữa sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Nhà thờ ngày Chúa nhật trong ngoài đều có lớp giáo lý. Dưới tán cây bàng, người nữ tu cao niên đứng giữa các anh chị vào đời thuyết giảng. Phía sân gần đài Đức Mẹ, mấy chục anh chị ngồi chăm chú lắng nghe cha sở… Mặc cho nắng có lúc xuyên qua hàng dừa chiếu thẳng vào mặt, đứng lâu, mồ hôi ướt cả áo ngoài, “ông cố” vẫn cứ nói say sưa. Lứa chúng tôi, như bao lứa trẻ khác của họ đạo nghèo trước đó nữa, không có thư viện đầy đủ như các xứ thị thành hay ít là như bây giờ. Cha sở dùng một góc nhỏ trong phòng khách của nhà xứ đặt tủ sách chừng vài chục cuốn. Chiều chiều, thiếu nhi tới lui, tìm sách đọc cho đỡ buồn. Đọc tới đọc lui, riết rồi tôi như thuộc làu. Vài cuốn truyện tranh, thêm chục tiểu thuyết dành cho người trẻ, năm ba cuốn của bộ Tuổi Hoa, rồi địa lý, lịch sử… Tôi thích nhất hai quyển Thánh Kinh bằng hình mà cha sở nói là “rất quý”. Sách lớn và dày đến nỗi ngày ấy, tôi dù đã học lớp 8, vẫn phải cầm hai tay mới nổi, nếu không khéo sẽ rớt, hư. Khác với các bạn, có một quãng thời gian liên tục khá dài tôi ngấu nghiến cuốn Thánh Kinh này mỗi chiều. Đọc xong vài trang, lấy chỉ đỏ làm dấu lại và cất vào chỗ cao nhất. Đến hôm sau, lại đọc tiếp… Thật ra, như mọi cuốn Thánh Kinh, nội dung làm sao khác nhau được, chỉ có điểm thu hút là những hình ảnh, tranh vẽ. Nhìn vào đó, tôi hình dung các câu chuyện rõ ràng, mở mang cho mình về thế giới cổ xưa với một nền văn hóa khác biệt…
Lần nọ, trời nhá nhem tối, tôi vẫn chưa về nhà, mải mê với những cuốn sách và được dịp ngồi cùng cha sở trong phòng riêng, khám phá phòng của ngài. Cha vẫn hay mở toang cửa để thiếu nhi vào và cùng trò chuyện với chúng như thế từ ngày ngài về nhận xứ, chục năm có lẽ… Tôi say sưa vì được dịp nhìn gần chén thánh, các tràng hạt, tượng thánh Giuse ngủ… và những đồ vật khác. Mỗi món một kiểu, lạ lạ… Bỗng tôi trồ lên khi nhìn thấy cuốn Thánh Kinh dày, đen huyền. Cha sở mở ra cho xem. Phía sau cùng có ép hình cha và các bạn cùng khóa. Ngài đố nhận ra ngài trong bức hình, sẽ có quà… Tôi phải chỉ năm lần, bảy lượt mới may mắn trúng hình cha, bởi khác quá. Vậy mà…
Cha đưa cuốn Thánh Kinh cho tôi. Trang đầu tiên có hàng chữ viết tay nắn nót: “Để kỷ niệm ngày thụ phong linh mục, 19.6.1977”. Cha nói rằng khi ngài mất đi, có thể những thứ quà lưu niệm này sẽ được gói lại, nằm gọn gàng góc nào đó trong áo quan hay trong căn thư phòng, qua thời gian, bụi phủ đầy nhưng khi trao lại cho tôi, ngài tin sách sẽ được “sống tiếp”.
Cầm sách trên tay, tôi nâng như nâng trứng mỏng. Lần giở từng trang đều hết sức nhẹ nhàng, sợ rách. Năm tháng chảy trôi, những câu chữ trong Thánh Kinh đi vào lòng cách gọn gàng, trật tự và ở yên lại. Sau này, khi lớn lên, xứ đạo có thư viện nho nhỏ, nghe tin cha sở mới xin sách đặt trong thư viện, tôi vội về nhà mang hai quyển Thánh Kinh rất quý ấy tặng lại, để sách tiếp tục sứ mạng của mình, trao truyền đức tin cho lớp trẻ…
Đồng nghiệp trong cơ quan, những người theo Công giáo đã có không ít lần thắc mắc vì sao tôi am hiểu Kinh Thánh. Những lúc như vậy, tôi chỉ mỉm cười đáp rằng mình cũng là “con nhà đạo” và lòng nhớ về cha xứ cũ, rất mực biết ơn. Còn cha sở ngày ấy, giờ đây đã đi xa…
Anh Nguyên
Bình luận