Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô(3)

Truyện ngắn.

Anh Phaolô mến.

Anh đang tạm nghỉ xả hơi ở Antiôkia. Nhưng tôi chả thấy Anh nghỉ một tí nào. Người ta cho tôi hay rằng: xác Anh thì ở xứ Xilixi mà lòng Anh thì ở xứ Pixiđia. Miệng lúc nào cũng nói đến Lýtra, Iconium và Đẹcbê... Anh không muốn nghỉ. Anh chỉ muốn lại lên đường truyền giáo nữa. Và... Anh đã lên kế hoạch rồi. Kế hoạch của Anh là:

1. Trở lại các giáo điểm mới được thành lập trong tuyến truyền giáo I, để củng cố đức tin của họ đang bị rệu rạo do nhóm bảo thủ và nhóm quá khích tạo nên. Phải củng cố cơ chế, phải thổi lửa đức tin cho các ngôn sứ, phải tháo gỡ xiềng xích của luật Môsê cho các tân tòng.

2. Đoàn truyền giáo lên đường chuyến này phải có quốc tịch La Mã, để có chỗ đứng trong xã hội mà mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Bước đầu Anh quyết định chọn ba người: Phaolô, trưởng đoàn; Bạcnaba và Xila, trợ lý.

3. Phải tranh thủ tối đa để Tin Mừng được loan báo đến tận cùng trái đất. Phải bất chấp gian lao thử thách. Nếu được chết vì Tin Mừng, thì đó là vinh dự lớn lao nhất. Tất cả cho Đức Giêsu.

Kế hoạch của Anh được công bố. Ai nấy đều hoan nghênh. Cộng đoàn Antiôkia nồng nhiệt đóng góp tiền bạc để Anh lên đường càng sớm càng tốt. Vui quá ! Mừng quá !

Bỗng có một chuyện buồn xảy ra.

Gioan-Máccô, người đào nhiệm trên tuyến truyền giáo I hiện đang có mặt ở Antiôkia. Hắn không còn là công tử bột như bốn năm về trước nữa. Bốn năm hối hận, bốn năm xấu hổ đã biến hắn trở thành một người dạn dĩ và can đảm phi thường. Hắn thề với bạn bè là sẽ lên đường truyền giáo với Anh, bất chấp gian khổ, để đền bù cái tội đào nhiệm năm ấy. Vàng bạc thì hắn không thiếu. Quốc tịch La Mã thì hắn cũng đã có rồi. Tên Do Thái của hắn là Gioan. Bây giờ lại có thêm tên La Mã là Máccô nữa.

Hắn đang nôn nóng chờ ngày lên đường truyền giáo với Anh, thì bỗng bị hẫng: Hắn xin cậu Bạcnaba can thiệp hộ. Thế là chuyện buồn nho nhỏ bỗng bùng vỡ trở thành chuyện buồn quá lớn. Buồn đến chết được. Tôi chỉ nghe kể thôi, mà cũng buồn đến đứt ruột.

Hôm ấy tín hữu về họp đông lắm. Các niên trưởng về để nhận lệnh của Anh. Các chị phụ nữ về để nhận công tác bác ái. Các bà mệnh phụ về để tài trợ chuyến đi của Anh. Người nào cũng buồn buồn tủi tủi. Người nào cũng thương thương nhớ nhớ. Đàn ông thì trầm tư. Đàn bà thì ứa lệ. Nhưng mọi người đều phấn khởi vì Tin Mừng sắp bùng vỡ.

Anh là người vui nhất, cười nói luôn miệng. Lúc thì ôn chuyện quá khứ. Khi thì dự phóng chuyện tương lai. Hứng lên thì vạch áo khoe những vết sẹo chằng chịt trên lưng, quà tặng của trận ném đá ở Lýtra. Hứng lên nữa, thì vỗ vai ông Bạcnaba vừa nói vừa hấp háy cặp mắt: “Bác chuẩn bị hành trang chưa ? Nhớ mang theo “Chứng minh Công Dân La Mã” nhá. Bác nhắc anh Xila hộ tôi với”. Chớp được thời cơ, ông Bạcnaba lên tiếng ngay: “Anh Phaolô ơi, cho thằng Máccô, cháu của tôi đi với”. Vừa nghe nhắc đến tên Máccô, Anh ưỡn lưng, trợn mắt, dựng cặp chân mày sâu róm lên, quát thẳng vào mặt ông Bạcnaba: “Máccô là một thằng hèn, không xứng đáng đi truyền giáo. Bác có nhớ không, nó đã bỏ chúng ta ở Pẹcghê, để trốn về với mẹ nó”. Lần đầu tiên trong đời, ông Bạcnaba nổi nóng, quát thẳng vào mặt Anh: “Tôi cấm Anh không được gọi thằng cháu tôi là thằng hèn”.

Hai người nổi nóng với nhau, đốp chát với nhau, khiến các niên trưởng tái mặt bỏ chạy. Các bà phụ nữ trốn sang nhà hàng xóm, ngồi xù xì với nhau. Buồn ơi là buồn !. Sáng hôm sau, ông Bạcnaba và Máccô cuốn gói xuống cảng, đáp tàu về đảo Síp, không hẹn ngày tái ngộ.

Anh Phaolô ơi, tôi chả biết phải nói gì với Anh bây giờ ? Bênh Anh và chống lại ông Bạcnaba ư ? Không bao giờ. Bênh ông Bạcnaba và chống lại Anh ư ? Cũng không bao giờ. Tôi vẫn luôn luôn quý mến Anh và mãi mãi kính trọng ông Bạcnaba. Nhưng sự cố Anh và ông Bạcnaba nổi nóng với nhau, nặng lời với nhau, để đi đến kết cuộc là “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”, thì quả là đáng tiếc vô cùng. Tôi buồn quá ! Quả tim trong lồng ngực của tôi dường như muốn ngừng đập. Tôi đành gác bút, thôi viết cho Anh. Hẹn tái ngộ Anh trên trang thư này, khi tôi đã bình tĩnh trở lại.

*

Anh Phaolô thương mến.

Sau một tuần lễ tìm quên, quên Anh và quên Cú Sốc ở Antiôkia, hôm nay tôi đã ăn và ngủ bình thường. Tôi lại nhớ về Anh và lại ngẫm nghĩ về cuộc chia tay giữa Anh và ông Bạcnaba. Vẫn còn buồn, nhưng chỉ buồn nhè nhẹ như gió hiu hiu thổi. Vẫn thương Anh và thương Anh nhiều hơn. Vẫn yêu quý ông Bạcnaba như thuở nào. Bây giờ vừa yêu quý, vừa thấy thương thương.

Dù Anh đang trăm công nghìn việc trên tuyến truyền giáo II, tôi vẫn xin Anh hãy vui lòng dành ra một chút thời giờ để nghe tôi bộc bạch tâm tư. Tâm tư rất chân thành và rất khách quan.

1. Xin Anh cùng tôi nhìn ngắm chân dung của ông Bạcnaba. Đối với giáo đoàn Giêrusalem, ông là tấm gương xán lạn nhất. Ông là một trong những người đầu tiên sẵn sàng bán hết gia sản, rồi dâng cúng cho tập thể. Đối với xã hội, ông là hạt men hòa bình hóa giải mọi cuộc tranh chấp và bất hòa. Ở đâu có Bạcnaba, thì ở đấy có nụ cười và tình thương. Đối với sự nghiệp truyền giáo của Anh, thì ông vừa là cố vấn, vừa là bạn đồng hành, vừa là người trợ lý có một không hai.

Nhìn qua ống kính phân tâm học, thì ông là người trầm tĩnh; là mẫu người phản ứng chậm; là người nhẫn nhịn nhưng chỉ nhịn mà không bỏ qua.

Là người lớn tuổi đáng kính, nhưng lại thua Anh về mặt kiến thức nhất là kiến thức về Thánh Kinh, ông vẫn có một chút mặc cảm tự ti nào đó. Bốn năm đồng hành với Anh, những mặc cảm tự ti nho nhỏ cứ cộng lại và chồng chất lên, tạo nên hiện tượng dồn nén và bùng vỡ.

2. Máccô, người bị Anh hắt hủi và chê là không xứng đáng lên đường truyền giáo, thì tôi lại rất trọng vọng và rất yêu quý. Tôi tìm hiểu về anh ta rất kỹ.

Khi Thầy Giêsu bắt đầu sự nghiệp truyền đạo, thì anh ta còn là trẻ con. Nhưng vì mẹ anh ta là mạnh thường quân của Thầy, nên anh ta được biết rất nhiều về Thầy và quyến luyến Thầy như một đứa trẻ con. Chỉ yêu Thầy, quấn quýt bên Thầy, nhưng chẳng hiểu sứ mạng của Thầy.

Sự cố Thầy bị đóng đinh, an táng và phục sinh gây một ấn tượng rất sâu sắc vào đời anh ta. Gần như mọi kỷ niệm cuối cùng về Thầy đều xảy ra trong tòa nhà của mẹ anh ta. Buồn sầu, sợ hãi, yêu thương và Tin Mừng bùng vỡ đều để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm tư của anh ta. Yêu Chúa nhiều lắm ! Xót thương Chúa nhiều lắm ! Và quyết tâm truyền giáo cũng lớn lắm ! Chính vì thế, anh ta không ở Giêrusalem để níu váy mẹ, mà luôn luôn có mặt bên cạnh ông Bạcnaba để đôn đốc mọi người loan báo Tin Mừng. Gian truân và thử thách nhiều lắm, anh ta vẫn đứng vững không lùi bước. Cũng chính vì vậy, anh ta sẵn sàng theo Anh trên tuyến truyền giáo I. Anh ngồi tàu buồm vượt 370 dặm trùng dương, anh ta cũng ngồi ở đấy. Anh lội bộ hơn 120 dặm từ Xalamin đến Paphô, anh ta có kém cạnh gì Anh đâu. Anh say sóng, anh ta cũng say sóng. Anh vã mồ hôi, anh ta cũng vã mồ hôi...

Thế rồi, bỗng dưng anh ta lại đánh bài chuồn ở Pẹcghê: đáp tàu về Giêrusalem, quên hết tình bạn, quên hết sứ mạng truyền giáo. Tại sao vậy?

Lực bất tòng tâm. Lúc ấy anh ta mới được chừng hai mươi lăm tuổi. Sức khỏe thì tuyệt vời, nhưng kinh nghiệm ở đời, thì vẫn chưa bằng ai. Biết nhìn xa, nhưng chưa thấy rộng. Sống bằng mơ mộng nhiều hơn bằng kinh nghiệm thực tế.

Con nhà giàu ăn sung mặc sướng, không quen chịu gian khổ. Khổ vừa vừa thì vượt qua. Khổ quá thì lùi bước. Đi bộ từ Xalamin đến Paphô anh ta chịu cực được, vì đường dài nhưng an ninh bảo đảm. Còn đường từ Pẹcghê đi Antiôkia tuy ngắn hơn mười ba dặm, nhưng đường đi vừa phải lội suối vừa phải trèo đèo, nhất là có cướp đường thường xuyên, nên anh ta không đủ can đảm để tiến bước. Đành phải chuồn thôi. Gặp khó mà lùi bước, thì không xứng đáng là đấng nam nhi. Nhưng lùi bước trong hoàn cảnh ấy, thì đáng thương hơn là đáng khinh.

Máccô là người có tâm huyết, quyết tâm làm điều tốt. Yếu đuối là bước lùi để tiến lên. Máccô ngày mai không giống hôm nay. Máccô năm nay và bốn năm sau khác nhau vời vợi. Từ yếu đuối và hèn nhát, anh ta vượt lên để trở thành người đội đá vá trời xanh. Không thấy Máccô như thế, thì không thể đánh giá anh ta một cách công bằng và chính xác được.

3. Sau khi nhìn ngắm, phân tích chân dung của ông Bạcnaba và anh Máccô, tôi xin được nhìn ngắm và phân tích chân dung của chính Anh. Xin Anh bình tĩnh theo dõi công việc của tôi.

Anh là người có chí lớn, lớn hơn cả non cao. Đã bắt tay vào việc, thì đem hết khả năng ra để đi tới bất chấp khó khăn. Chính vì thế khi bắt đạo, thì bắt một cách tàn nhẫn. Bắt trói đàn ông, bắt trói cả đàn bà. Ghê quá ! Nhớ lại chuyện Anh bắt đạo, tôi vẫn còn rùng mình. Chính Chúa cũng đã phải dằn mặt Anh: “Khốn cho ngươi, vì ngươi dám giơ chân đạp lên mũi nhọn”.

Anh đã hăng say bắt đạo, bây giờ lại hăng say truyền đạo. Truyền đạo hăng say hơn bắt đạo. Hăng say để đền tội. Hăng say để đền ơn đáp nghĩa.

Anh là mẫu người hăng say làm việc. Người hăng say làm việc rất ghét người lười và không ưa người phản ứng chậm.

Tôi tạm gọi Máccô là mẫu người lười và ngại gian khổ. Nhưng anh ta lười không phải vì bản chất, mà vì ảnh hưởng của nền giáo dục nhung lụa. Hậu quả của nền giáo dục ấy được thể hiện rõ nét khi anh ta đào nhiệm ở Pẹcghê mà về với mẹ. Phải chi Anh hiểu được điều đó, thì Anh sẽ nhẫn nại chờ đợi Máccô thay đổi tính tình theo đường lối giáo dục tiệm tiến của Thầy Giêsu: “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”. Ban đầu môn đệ của Thầy không biết ăn chay, không biết cầu nguyện. Nhưng cứ từ từ, rồi cũng sẽ đâu vào đấy.

Còn ông Bạcnaba là mẫu người trầm tĩnh, chín chắn, nhưng phản ứng chậm. Anh và ông ấy cứ làm khổ lẫn nhau.

Anh khổ vì thấy ông ấy chậm quá. Ông ấy khổ vì thấy Anh nhanh quá. Hai cái khổ ấy cứ chồng chất lên trong suốt bốn năm trời. Anh nóng nảy, nhưng nóng xong thì nguội. Ông ấy nguội nhưng nguội âm ỉ. Anh khổ nhiều, nhưng đến chiều là quên hết. Ông ấy khổ ít nhưng không quên được.

Anh Phaolô ơi ! Nếu Anh biết người và biết ta, thì Anh không nỡ tâm nặng lời với Máccô và không nổi nóng với ông Bạcnaba tại Antiôkia như thế. Tôi không bênh ông Bạcnaba đâu, nhưng tôi cũng không thể bênh Anh được. Cả hai bên đều có lỗi, nhưng Anh là thủ trưởng, thì trách nhiệm vẫn phải quy về Anh. Tôi vẫn thương Anh lắm, nhưng tôi không thể tha thứ cho Anh được. Mong Anh đền tội và xin lỗi cả ông Bạcnaba lẫn anh Máccô. Tôi xin thành thật hỏi Anh: “Sự cố Anh và ông Bạcnaba chia tay nhau ở Antiôkia, thì Đức Giêsu được gì và mất gì?”

Tôi vẫn yêu Anh và quý Anh. Chúc Anh thành công trên tuyến truyền giáo II này.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.