Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô(4)

Truyện ngắn

Anh Phaolô rất quý mến.

Anh đã hoàn thành tuyến truyền giáo II và đang tạm nghỉ ở Antiôkia, để chuẩn bị cho tuyến truyền giáo III. Anh là mẫu người chỉ nhìn về phía trước và chỉ nghĩ về tương lai. Tôi biết thế, nhưng tôi vẫn năn nỉ Anh dành ra mươi phút để cùng tôi nhìn về phía sau. Phía sau ấy là một hành trình dài 1527 dặm (2260 km), một thời gian 3 năm và 15 giáo điểm mà Anh đã đi qua và để lại biết bao kỷ niệm vui buồn. Vui đến ứa lệ. Buồn đến tứa máu. Tôi chỉ xin Anh nhìn lại và ngẫm nghĩ về những kỷ niệm gây ấn tượng nhất mà thôi.

1. Tuyến truyền giáo I được mở màn bằng câu chuyện buồn tê tái: Anh và ông Bạcnaba nổi nóng và to tiếng với nhau đến mức độ phải “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” Nguyên nhân và hậu quả của biến cố, thì tôi đã nói với Anh trong lá thư trước rồi: nguyên nhân thì quá nhỏ, hậu quả thì quá to. Ở đây tôi chỉ gửi về Anh một bản thông tin ngắn về công việc truyền giáo ở đảo Síp.

Hai cậu cháu ông Bạcnaba đáp tàu về đảo Síp, vừa buồn vừa tủi. Buồn đến chết được. Tủi đến phải gục mặt xuống mà đi. Nhưng bây giờ họ đã quên chuyện quá khứ rồi. Vì Đức Giêsu, họ quên tất cả quá khứ để bắt tay vào việc rao giảng. Họ khởi đầu từ Xalamin và từ từ tiến tới Paphô. Lòng nhiệt thành của họ thì không thua Anh. Nhưng cách làm việc của họ thì không giống Anh. Anh thì ào ào đi tới, tranh luận thì đùng đùng như pháo nổ. Còn Bạcnaba thì cứ từ từ đi tới, tranh luận thì rỉ rả như kể chuyện, nhẹ nhàng như xoa bóp. Thành công của ông không rực rỡ như của Anh. Nhưng thất bại của ông không chua chát như của Anh.

Tôi không ngờ là chuyện buồn hôm ấy lại là khởi đầu cho hai tuyến truyền giáo: tuyến truyền giáo II của Anh và tuyến truyền giáo I của Bạcnaba. Tôi không thể ngờ được rằng một vết chém sâu như thế và tóe máu như thế, mà lại mọc da non nhanh đến như vậy. Tôi ngẫm nghĩ mãi và nhận ra rằng: tình yêu Thầy Giêsu đã cứu cả Anh lẫn ông Bạcnaba. Tình yêu ấy vừa là viên thuốc kháng sinh cực mạnh, vừa là chai sữa bồi dưỡng tuyệt vời.

2. Bà Lyđia, đứa con đầu lòng của giáo đoàn Philíp.

Tôi nghe người ta kể rằng khi đoàn của Anh vừa tới Philíp, còn chân ướt chân ráo, chưa biết phải làm gì, các anh đi dạo lang thang ở bờ sông, để giết thời giờ, để chờ gặp may. Và dịp may đã tới.

Một số phụ nữ đạo đức đang ngồi phệt trên bãi cỏ, thỏ thẻ với nhau về giáo huấn của các Sứ Ngôn. Thế là các anh xin nhập cuộc. Anh làm chủ tình hình ngay lập tức. Đó là khả năng của Anh. Anh dẫn chứng Môsê và Sứ Ngôn để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Các bà như bị hớp hồn, nín thở để nghe. Bà Lyđia cảm động đến nhòa lệ. Bà là người đầu tiên giơ tay xin gia nhập đạo Chúa. Thế là giáo điểm Philíp ra chào đời. Lyđia là đứa con đầu lòng của giáo điểm ấy. Bà mời đoàn truyền giáo đến ở tại nhà bà. Anh không đồng ý. Bà năn nỉ, bà nài ép. Thế là Anh cầm lòng không được, đành gật đầu chấp thuận. Anh thua. Bà ấy thắng.

Tôi chưa hề thấy mặt bà Lyđia, nhưng dựa trên những thông tin lẻ tẻ, tôi có thể vẽ chân dung của bà như sau: một người đàn bà trên dưới bốn mươi; vừa giàu sang vừa xinh đẹp; vừa đảm đang vừa giàu tâm huyết; được giới trẻ kính mến; được phụ nữ khâm phục; được giới mày râu nể nang. Bà sẽ là linh hồn của giáo đoàn Philíp và là hậu phương vững mạnh của sự nghiệp truyền giáo của Anh.

Bà sẽ luôn luôn nghe ngóng tin tức về đoàn truyền giáo của Anh. Bà lo lắng từ miếng cơm đến manh áo của các anh. Bà không hài lòng về tin tức đâu. Bà sẽ đích thân đến thăm để thấy tận mắt nồi cơm, tô canh trên bàn ăn của các anh. Bà không cho phép các anh mặc áo cũ rách và không tươm tất.

Một người đàn bà lý tưởng như thế mà xuất hiện thường xuyên trên các giáo điểm, thì có thể là cái gai chọc vào mắt các bà mệnh phụ của địa phương đấy. Những cái lườm nguýt của các bà sẽ vương hệ lụy cho sự nghiệp lớn của Anh đấy. Tôi biết Anh là mẫu người chỉ biết lo chuyện lớn mà quên chuyện nhỏ, nên tôi tha thiết xin Anh cẩn trọng, đừng để chuyện nhỏ làm hư chuyện lớn.

3. Công tác truyền giáo ở Philíp đang đẹp như mây bay, thì bỗng phong ba nổi lên. Anh và Xila bị đánh một trận đòn tơi bời hoa lá, rồi bị tống ngục, bị xiềng cả chân lẫn tay trong một xà lim sâu hun hút của trại giam. Đầu đuôi câu chuyện là thế này.

Các Anh ra bờ sông để cầu nguyện. Có một người đàn bà tuổi xồn xồn cứ lẽo đẽo đi theo, vừa đi vừa léo nhéo: “Các ông này là tôi tớ của Đấng tối cao. Họ loan báo cho các người con đường cứu độ”. Ăn nói vô duyên. Bản mặt vô duyên. Vô duyên hai ba ngày liền, khiến Anh nổi nóng, quát vào mặt hắn: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, ta truyền cho mi phải xuất khỏi người này”. Quỷ xuất ra ngay. Người đàn bà ngẩn ngơ, tưởng mình đang mơ. Thì ra bà ta bị quỷ nhập. Quỷ biến bà ta thành “cô đồng”: gọi hồn, đoán mệnh, bói toán, phát lộc làm giàu cho bọn đầu cơ. Bây giờ bà tỉnh lại rồi, bọn đầu cơ không còn lợi dụng được nữa, bèn trả thù các anh. Họ lôi anh và Xila ra tòa, tố các anh hai tội: làm mất trật tự và an ninh công cộng, đồng thời truyền bá những tập tục mà người Rôma không thể chấp nhận được. Thế là quần chúng thì la hét chửi bới. Còn chính quyền địa phương thì ra lệnh lột trần các anh và đánh cho đủ 39 hèo, rồi tống ngục. Đau quá ! Oan khiên quá ! Nhưng Anh và Xila thì cứ tỉnh bơ y như đi trong mơ. Dường như còn thích thú, vừa đi vừa nhún nhảy. Không ai hiểu được tâm tư của các anh.

Nửa đêm hôm ấy, trại giam đang im phăng phắc, thì Anh và Xila hát thánh ca um lên làm náo loạn cả trại giam. Tiếp theo là một cuộc động đất làm bật tung các cửa phòng trại giam. Viên cai ngục tưởng đây là cuộc trốn trại khủng, bèn rút gươm để tự sát. Anh vội la lên: “Đừng ! Đừng ! Chúng tôi vẫn còn ở đây, không ai trốn đâu”.

Tình thế xoay 180 độ. Viên cai ngục và gia đình xin theo đạo, rửa vết thương cho các anh và còn mới các anh dùng bữa nữa.

Sáng hôm sau các quan tòa ra lệnh thả các anh. Các anh không thèm ra, còn hạch sách họ, tố ngược họ là vi phạm luật pháp: tra tấn và bỏ tù công dân Rôma mà không hề xét xử tại tòa. Anh yêu cầu quan tòa phải đích thân xin lỗi Anh và mời Anh ra tù một cách công khai và long trọng.

Thế là quan tòa từ thế thượng phong tụt xuống thế hạ phong. Họ phải đích thân đến xin lỗi Anh và mời Anh ra tù. Anh và Xila ra trại giam một cách oai phong lẫm liệt, tiến về nhà bà Lyđia như một thượng khách. Anh công khai họp các tín đồ, dặn dò, khuyên lơn họ, rồi khăn gói ra đi

Anh Phaolô rất thân mến. Trước hết tôi xin chắp tay lạy Anh ba cái, rồi vắt tay lên trán, ngẫm nghĩ. Phải nghĩ lâu lắm mới hiểu được con người của Anh.

1. Nếu là tôi, thì tôi xuất trình giấy chứng minh công dân Rôma ngay từ lúc sắp bị đánh đòn. Như vậy thì vừa thoát được trận đòn rách thịt, rướm máu, vừa được bọn quá khích trợn mắt nể vì. Thế mà Anh cứ ngặm tăm, cho đánh, cho tống ngục. Cứ tỉnh bơ, cứ tủm tỉm cười như thằng bé được ăn kẹo. Anh xử thế như vậy thì là khôn hay là dại? Bây giờ thì tôi hiểu rồi.

uAnh không sợ bị đòn, mà còn khoái là khác. Cũng chỉ vì Anh muốn đền tội. Anh đã làm khổ Thầy Giêsu quá đỗi, nay Anh muốn chịu đòn vì Thầy để đền bù. Đó cũng là quy luật của tình yêu. Yêu ai thì muốn khổ vì người ấy: “Không có tình yêu nào lớn hơn là chết cho người mình yêu”. Anh yêu Thầy quá, Anh muốn chết vì Thầy. Đánh đòn và tù đầy chỉ là chuyện nhỏ.

uAnh muốn cố đấm để ăn xôi. Anh chịu đòn để dồn đối phương vào thế kẹt. Anh tự nguyện chọn thế hạ phong, để nhảy lên thế thượng phong. Anh đã thành công. Anh chơi cao quá, vì Anh già tay ấn quá. Ban đầu tôi tưởng Anh chịu thua nhỏ để thắng lớn. Ngẫm nghĩ mãi tôi mới thấy Anh thắng lớn và thắng kép.

Anh bị đòn đau, nhưng lại đau sướng. Sướng quá ! Sướng quá , nên không thấy đau. Anh và Xila hát thánh ca um sùm lên là vậy. Bây giờ tôi mới cảm nghiệm được lời của Thầy: “Ách của Ta thì êm, gánh của Ta thì nhẹ”. Tôi chỉ cảm nghiệm được lời của Thầy ở trong tim. Còn Anh thì cảm nghiệm được cả trên da thịt của mình. Tôi ghen với Anh đấy.

Ngẫm nghĩ mãi, tôi lại thấy nước cờ “hạ phong – thượng phong” của Anh là quá cao. Bản chất của Anh là thích ngạo nghễ, là thích chọc tổ ong vò vẽ. Chọc để chơi thôi. Trong phạm vi này thì Anh thành công quá lớn. Anh bắt được quan tòa phải nhận lỗi và xin lỗi, thì quả là tuyệt vời. Anh có quyền sung sướng. Anh có quyền hãnh diện.

Nhưng tôi lại thấy rằng thắng lợi ấy vẫn còn là quá nhỏ so với một thắng lợi khác. Đó là khi Anh cuốn gói ra đi rồi, thì bà Lyđia và những anh chị em tân tòng không bị làm khó nữa. Chánh quyền địa phương mang mặc cảm tự ti đối với giáo đoàn. Họ không dám làm khó, họ không dám dòm ngó, vì họ đã bị hố một chuyện quá lớn rồi. Nỗi đau ấy còn ê ẩm lâu lắm. Ê ẩm một thế hệ, ê ẩm một thể chế cai trị của thành Philíp, một thành phố được hưởng chế độ dân chủ như thủ đô Rôma. Tôi khâm phục cái đầu có trán cao của Anh. Trán vừa cao, vừa dồ

2. Cái vụ động đất đêm hôm ấy không do Anh tạo ra, nhưng chứng tỏ là Chúa đã ủng hộ Anh, đã thưởng Anh. Phần thưởng cụ thể nhất là viên cai ngục và gia đình của ông đã đón nhận đức tin. Ngày Anh đến Philíp thì Chúa ban cho Anh gia đình bà Lyđia. Ngày Anh ra đi, thì Chúa ban cho Anh gia đình viên cai ngục. Anh ra đi, thì hai gia đình này sẽ tiếp tục sự nghiệp của Anh. Tư cách của họ, gia cảnh của họ sẽ bảo đảm cho việc phát triển của giáo đoàn. Tôi dự đoán rằng trong tương lai giáo đoàn Philíp sẽ là hậu phương lớn của Anh, đồng thời họ chiếm một chỗ ưu tiên trong con tim của Anh. Anh không thích nhìn về quá khứ, nhưng tôi tin chắc rằng Anh không thể quên được giáo đoàn Philíp. Anh không thích để tình cảm lấn át lý trí, nhưng tôi vẫn tin chắc rằng Philíp sẽ làm Anh phải rớt nước mắt nhiều lần. Bề ngoài của Anh thì khô như ngói, nhưng mái ngói vẫn dầm dề nước mưa đấy. Anh đừng vì tự ái mà giận tôi nhé. Dù sao tôi vẫn là người bạn âm thầm yêu Anh, mến Anh, quý Anh và hiểu Anh như hiểu bàn tay năm ngón của tôi.

Thân mến. Hẹn gặp Anh trong lá thư sau.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.