Ở những làng Công giáo miền Bắc xưa, tên làng thường cũng là tên của giáo xứ như Phú Nhai, Trung Lao... Người Công giáo vẫn chịu sự chi phối của văn hóa truyền thống, cụ thể là văn hóa làng với những lễ thức sinh hoạt hội hè vốn đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Nhiều xứ đạo có nhạc bát âm chơi điệu hành vân lưu thủy, một loại nhạc hay thấy ở lễ hội làng Việt cổ. Ban (hội, hoặc phường) bát âm mặc áo dài đen, đầu đội khăn xếp. Họ được gọi là ban nhạc Nam (chơi nhạc cụ Nam – Việt Nam) vì còn có ban nhạc sử dụng nhạc cụ phương Tây, dân gian gọi là nhạc Tây. Trong ban nhạc không thể thiếu đội trắc, đội trống, đội mõ. Khi đánh trống, gõ mõ, gõ trắc..., các hội viên vừa gõ, vừa múa theo những biên đạo khác nhau, dựa trên những điệu múa dân gian đã được chắt lọc.
*Múa trắc
Trong những cuộc rước kiệu, nhiều làng Công giáo có xen kẽ múa trắc. So với mõ thì trắc còn đơn giản hơn nhiều. Đó chỉ là hai thanh gỗ - trước đây là gỗ trắc, nay thường là gỗ tre đực lấy ở phần dưới thân cây cho chắc và tạo tiếng gõ cho đanh - dài khoảng 10 cm, dày 2 cm. Khi gõ hai thanh vào nhau sẽ phát ra âm thanh lanh canh, khỏe khoắn. Mỗi hội trắc có khoảng 20 em tuổi từ 9 đến 13. Trắc thuộc vào ban nhạc Nam. Nếu trong xứ hoặc họ đạo có hội mõ thì tuổi và chiều cao các em ở hội trắc ít và thấp hơn tuổi và chiều cao của các em ở đội mõ. Về ăn mặc, hội viên mặc đồng phục, quần áo Việt tự tạo, chân quấn xà cạp, đầu đội khăn có thắt dây quàng sau gáy ra phía trước hoặc mũ chào mào.
Cũng như hội mõ, hội trắc không đánh (gõ) trắc một cách bình thường mà vừa gõ vừa múa. Động tác gõ kết hợp với múa về đại thể cũng như múa mõ. Các động tác được làm đồng loạt, nhịp nhàng mềm dẻo vì do trẻ em múa. Tiếng lanh canh, lắc trắc hợp lại rền vang hòa với tiếng mõ lốc cốc của hội mõ ở phía sau. Để hội trắc đi cho có hàng lối chỉnh tề, cũng có một tổ giữ trật tự cầm kiếm dàn hai bên nhảy theo cách riêng, kiếm đưa ngang tạo thành rào chắn làm hội viên nào nếu nhảy quá lập tức bị ngăn lại cho thẳng hàng lối.
Trắc hay mõ đều là những nhạc cụ đơn giản, dễ làm, mỗi người tự tạo. Hết ngày lễ, người ta lại đem về thường là gác trên bếp để tránh mối mọt. Nếu gõ riêng từng nhạc cụ một, âm thanh là đơn điệu, khô khốc, nhưng khi nó được hợp âm, được các em nhỏ vừa gõ vừa múa thì âm thanh lại náo nhiệt rộn ràng, hình thức múa thật đẹp mắt.
*Múa trống
Ở những xứ đạo có điều kiện, người ta sẽ sắm một chiếc trống cái rất to (trống đại), đường kính có thể từ 1,5m đến 2m. Trống đại được đặt trên xe lăn để di chuyển cho dễ dàng, cũng có khi được buộc vào hai đòn tre cho bốn người khiêng. Xung quanh tang trống, nhiều xứ đạo còn gá vào đó một số trống con. Đánh trống đại thường là một nam giới trung tuổi, có sức khỏe. Vì là đánh trống đại nên dùi trống làm to, có thể được bọc vải đỏ ở đầu và kết tua ở cuối dùi. Khi đánh, người đánh trống vừa đánh vừa nhảy múa. Dùi trống khi được đưa lên quá đầu, trước khi gõ vào trống người đánh trống gõ hai dùi vào nhau hoặc quay dùi trống lên không trung, luồn dùi qua khuỷu chân rồi mới gõ. Người đánh trống khi nhảy về phía trước, khi nhảy lùi về phía sau hoặc nhảy qua phải, qua trái, vừa nhảy vừa đánh trống theo những điệu, nhịp riêng. Vì vậy một số người gọi đó là đánh trống nhảy. Thực chất đó chính là múa trống. Có xứ còn tổ chức thi múa trống giữa các họ lẻ. Họ đạo nào trống to, người đánh trống múa dẻo, ăn mặc đẹp, trang trí trống, dùi trống đẹp mắt sẽ được giải.
Ngoài trống đại với hình thức múa trống, hầu hết các nơi còn có trống cà rùng. Đội trống thường có từ 6 chiếc trở lên. Để tạo ra nhiều âm thanh, trống được làm to, nhỏ khác nhau. Khi đánh tạo ra những âm thanh rùm rùm. Cũng có khi đánh vào tang trống tạo ra tiếng lắc cắc, sau đó là tiếng rùm rùm...
Dù sử dụng hình thức nào hay dùng cả ba loại nhạc cụ vừa kể, ở trong hay ngoài khuôn viên nhà thờ, thì đây vẫn là một sự hội nhập và đưa văn hóa dân tộc vào lễ nghi tôn giáo một cách có kế thừa và phát triển rất thú vị của người Công giáo. Thật đáng trân trọng !
Mõ là loại nhạc cụ của người Việt dễ làm, dễ sử dụng. Mõ không chỉ có mặt trong các vở chèo, hội làng Bắc - Trung - Nam, mà còn “vươn ra ngoài xã hội”. Làng Việt dùng mõ mở đầu cho rao báo việc làng, tiếng mõ kèm với tiếng tù và để hộ đê, tiếng mõ cùng với tiếng trống khua rền vang đuổi trộm, cướp, xua giặc giã, giữ bình yên làng xóm. Ở miền Nam, trong các ngôi đình, mõ được sử dụng cùng với trống tại lễ tế thần, kỳ yên, cầu cho quốc thái dân an, phong đăng, hòa cốc.
Cũng như làng Việt, làng Công giáo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa kia dùng mõ báo việc làng, việc xứ. Thường thì khi “hàng” xứ hay họ đạo có việc, một người được xứ đạo hay họ đạo cử đem mõ để gõ kèm theo thời rao. Trong mùa Chay, tiếng mõ, kèm theo tiếng trống khẩu làm hiệu lệnh đưa viên chức lên ngắm đàng thánh giá; chuông trong nhà thờ không được rung, mọi hiệu lệnh được thay bằng tiếng mõ. Đêm thứ bảy Tuần Thánh, trước khi nến Phục Sinh được thắp, trong giờ phút linh thiêng chờ Chúa sống lại, tiếng mõ vẫn chế ngự không gian nhà thờ. Một số ngày lễ trọng, lễ thánh quan thầy ở các xứ đạo, họ đạo thuộc địa phận Bùi Chu (tỉnh Nam Định) có thêm tục múa mõ.
Mỗi họ đạo miền Bắc thường có một đội mõ khoảng 20 em, tuổi từ 10 đến 15. Vì là nhạc Nam nên các đội viên ăn mặc quần áo dân tộc. Có khi chân quấn xà cạp, đầu chít khăn hoặc đội kiểu mũ chào mào. Lối ăn mặc này khác với ban nhạc Tây, đội viên đội mũ kêpi, mặc đồng phục Âu châu, chân dận giày. Đội múa đi theo đội hình hàng hai, nhập vào đội hình đi kiệu của xứ với các đội nhạc Nam, nhạc Tây với đội hát, các hội đoàn. Đội mõ vừa đi vừa gõ theo nhịp hành tiến. Chỉ đến khi dừng lại để múa, mõ mới được gõ theo nhịp 2/4 hoặc 4/6. Lúc này các đội viên vừa đánh mõ vừa múa. Lúc mõ được giơ lên gõ ở quá đầu, lúc mõ được đưa gõ ở phía trước ngực, khi mõ đưa gõ ở phía sau thắt lưng, khi lại luồn qua khuỷu chân. Nếu chân phải giơ lên theo hình thước thợ để mõ được gõ dưới khuỷu chân thì chân trái làm trụ. Nếu chân trái giơ lên thì chân phải làm trụ. Lúc này các đội viên kết hợp xoay người khiến cho khi họ xoay lưng vào nhau, khi lại quay mặt vào nhau. Tay giơ lên cao, thấp, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, người khi rướn nhảy, khi lại cúi khom, xoay trước, xoay sau. Kèm theo đó là tiếng mõ rền vang, tạo giai điệu cho múa sinh động. Tất cả các động tác đều được làm thống nhất, đồng loạt. Để nhằm tạo cho các đội viên khi múa mà vẫn giữ được hàng lối, đội múa có một tổ từ 4 đến 6 em tham gia giữ trật tự. Các em được chia làm hai, đứng hai bên hàng đội mõ. Mỗi em giữ trật tự đều cầm một thanh kiếm gỗ. Khi làm nhiệm vụ giữ trật tự thì nhảy theo điệu mõ nhưng theo cách riêng. Chỉ huy đội mõ thường do một người đứng tuổi, dùng tiếng sáo trúc điều khiển. Một hình thức chỉ huy hết sức văn hóa.
Đi đầu đội mõ là mõ cả hay mõ lớn. Đó là một con cá đẽo bằng gỗ, dài khoảng 60 cm, đặt trên bánh xe do một em nhỏ kéo, và một em cầm que gõ vào mình cá giữ nhịp. Khi gõ lên mình cá, em này cũng nhảy qua phải, qua trái, phía trước, phía sau, theo cách riêng. Để tạo ra âm thanh, bụng cá được đục rỗng. Nếu như việc sử dụng mõ tre là kế thừa nhạc cụ dân tộc thì việc dùng mõ hình con cá lại là sự sáng tạo của giáo dân. Con cá là biểu tượng lương thực, no đầy sức sống qua hình ảnhNăm chiếc bánh và hai con cátrong Kinh Thánh. Hình ảnh con cá còn được lấy trong tích thời kỳ bị bắt đạo, các tín hữu Kitô giáo thuộc đế chế La Mã dùng hình con cá để nhận biết ra nhau.
Múa mõ vốn là một trò trong sinh hoạt văn hóa dân gian của làng Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa kia. Làng Việt Công giáo đã tiếp thu kế thừa đưa vào nghi lễ Công giáo. Tiếp thu kế thừa có sự sáng tạo như đã tạo ra mõ cá, có một tổ giữ trật tự… Ngày nay trong các làng Việt, trò múa mõ dường như sắp thất truyền. May thay, nó vẫn đang còn được các làng Công giáo bảo lưu. Quả là một nét son !
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
Bình luận