Ông bà ngoại tôi có thói quen ăn trầu cau. Đều là người giản dị trong lối sống nên vật dùng, đồ đạc của ông bà đều không nhiều. Trong số đó, thứ gắn bó nhất chính là chiếc cơi, cỡ bằng hai bàn tay người lớn, bên trong có mấy lá trầu, vài quả cau và một hũ vôi nhỏ lúc nào cũng nằm chờ sẵn trên bộ ván sau nhà. Lúc còn bé, tôi vẫn thường không hiểu vì sao ông bà lại có thể “si mê” món lá trầu quệt vôi cay nồng và mấy miếng cau chát ngắt nhưng lại thường thích thú gối đầu bên cơi trầu để nghe cả hai người kể chuyện. Những câu chuyện của ông, bà dường như lúc nào cũng vấn vít hương thơm tỏa ra từ chiếc cơi nhỏ. Tôi nằm im nghe, hít đầy lồng ngực mùi thơm cay cay và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Ngày tháng tuổi thơ cứ thế êm đềm trôi. Nhiều năm sau, tôi vào đại học, học những môn văn chương, văn hóa, nghe giảng rất nhiều về hình tượng miếng trầu, quả cau. Với người Việt mình trầu cau chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nào là miếng trầu là đầu câu chuyện khi được đem ra mời khách khứa đến chơi nhà. Miếng trầu là một lời hứa về sự thủy chung, vững bền khi xuất hiện trong lễ cưới, hỏi. Đôi khi, nó còn thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau qua mâm cúng tổ tiên.
Tôi đi học xa nhà, ông ngoại mất, những câu chuyện bên cơi trầu ngày nào trở thành ký ức. Bà nói với riêng bà, cuộc sống cùng người bạn đời của mình cũng giống như thưởng thức trầu cau, vị cay nồng của lá trầu hệt như cái tình đắm say còn vị chát vương hoài ở đầu lưỡi cũng như cái nghĩa lâu dài. Dù ở cuối chặng đường chỉ còn một người ở lại thì hai chất liệu này vẫn cần được giữ gìn.
Bởi thế, dù nhịp sống hiện đại đã cuốn đi nhiều nếp sinh hoạt ngày cũ nhưng bà tôi vẫn giữ thói quen ăn trầu ngày nào như một cách ôn lại quá khứ, nhắc nhở một thời mình và người bạn đời còn ngồi bên chiếc cơi xanh.
Đỗ Yên
Bình luận