Cách đây chừng mấy năm, có một cuộc hội thảo nêu vấn đề linh mục Ðắc Lộ (Alexander Rhodius [1]) không phải là người đầu tiên soạn ra bộ chữ Quốc ngữ. Kỳ thực, nó chẳng khác nào “gõ vào cánh cửa đã mở”, vì vấn đề này “mở” từ lâu rồi, cách đây cả nửa thế kỷ! Trong cuốn “Lịch sử chữ Quốc ngữ” của linh mục Ðỗ Quang Chính (ấn bản năm 1972), cũng như nhiều cuốn biên khảo khác nữa trong Giáo hội Công giáo, đã minh định người tiên phong trong tạo dựng bộ chữ Quốc ngữ là Francisco de Pina, Linh mục Dòng Tên người Bồ Ðào Nha.
Các vị giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha tiên phong trong việc rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu tại nước Việt, và xây đắp một bộ chữ mới dựa trên hệ thống văn tự biểu âm Latin. |
*Đây là bộ chữ, suốt thời kỳ dài, được dành cho Sứ vụ loan báo Tin Mừng
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, các vị tu sĩ Công giáo đến nước Việt vào giữa thế kỷ 16 (khoảng năm 1533); tuy nhiên, rất có thể xuất hiện còn sớm hơn nữa so với niên đại 1533, vì không đủ khảo chứng cuốn sách này viết chính xác đến đâu về thời điểm xuất hiện.
Vai trò loan báo Tin Mừng tiên khởi tại nước Việt là thuộc về các tu sĩ Dòng Tên, đi rao giảng về Đạo Yêu Thương của Chúa Giêsu. Mà Đạo Yêu Thương thì không hạn định bởi các đường biên giới trần thế mà lan tỏa khắp toàn cầu, để qua đó cổ võ tinh thần vị tha, yêu thương, bác ái, tự do và bình đẳng.
Một đặc điểm có thể gọi truyền thống lâu đời của Dòng Tên ở vùng Viễn Đông, đó là các vị tu sĩ thường bắt tay vào công việc nghiên cứu khoa học, trong đó có ngôn ngữ học, để chinh phục sự tin tưởng nơi những dân tộc mà các vị được gởi đến. Phúc Âm của Chúa Giêsu cần được tái sinh trong mọi xã hội của nhân loại, với nền văn hóa riêng của họ. Tin Mừng, ở bất luận quốc gia nào, chỉ có thể thực hiện một cách hữu hiệu nếu có được sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa bởi vì đó là “linh hồn” và “hơi thở” tại mỗi quốc gia. Chỉ qua sự am hiểu ngôn ngữ bản địa, các vị tu sĩ Dòng Tên mới có thể động chạm đến trái tim của người nghe. Nên các linh mục Dòng Tên xác định rất minh bạch, giản dị - ngay từ đầu mục đích của việc soạn ra “bộ chữ cho tiếng An Nam” - chỉ dành cho công việc truyền thông trong nhà Đạo (truyền giáo) được thuận lợi, hiện diện chủ yếu trong các họ đạo, các chủng viện…
Tiến trình từ “bộ chữ cho tiếng An Nam” trở thành “Chữ Quốc ngữ” - một cách định danh rất trân trọng - lan tỏa rộng rãi trong xã hội là mãi về sau này, do nhiều tầng lớp từ triều đình cho tới nhân sĩ trí thức tự nguyện cổ võ, truyền bá vì nhận ra giá trị của bộ chữ mới [2]. Chúng ta cũng cần biết đến dữ kiện lịch sử sau đây: Hoàng đế Thành Thái, một vị vua yêu nước, đã chọn chữ Quốc ngữ như một nỗ lực để “thoát Hán”. [3]
Linh mục người Bồ Francisco de Pina phân tích 6 thanh điệu trong tiếng Việt, từ đó thành hình các dấu thanh điệu trong bộ chữ Quốc ngữ |
*Francisco de Pina với nền văn hóa Việt Nam
Francisco de Pina (1585-1625) không chỉ là một vị giáo sĩ, mà còn là một học giả. Ông sinh ra ở thành phố Guarda của Bồ Đào Nha vào năm 1585, và gia nhập Dòng Tên khi được 19 tuổi. Năm 1608, Pina học về Văn khoa và Thần học tại Học viện Áo Môn (Macau). Học viện Áo Môn là nơi nghiên cứu về các ngôn ngữ và văn hóa phương Đông.
Francisco de Pina tới Hội An vào năm 1617 (hoặc 1618). Theo nhận định của linh mục Roland Jacques khi biên khảo cuốn sách “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”, thì sự bén rễ sâu của Pina trong nền ngôn ngữ học Bồ Đào Nha đã trở thành một công cụ tuyệt với trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Thời kỳ bấy giờ tại Bồ Đào Nha xuất hiện rất nhiều tác phẩm của những chuyên gia lỗi lạc về ngôn ngữ học như các khảo luận của Fernão de Oliveira (1536) và João de Barros (1539-1540); chuyên luận về chánh tả của Duarte Nunes de Leão (1576), sách thực hành ngôn ngữ dành cho giới học sinh của Pêro Magalhães de Gaandavo soạn thảo (1574)… Tất cả những công trình này là những “công cụ” giúp linh mục Francisco de Pina giải quyết vấn đề ngữ âm của tiếng Việt.
Thật vậy, trong các ngôn ngữ gốc từ tiếng Latin thì tiếng Bồ Đào Nha có phụ âm, nguyên âm và một số dấu thanh điệu, xem ra “gần gũi” với tiếng Việt hơn hết. Tất nhiên, ngữ âm của tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt vẫn khác nhau; nhưng việc nghiên cứu về ngôn ngữ Bồ Đào Nha đã đóng góp một phương pháp hiệu quả mà nhờ đó, Francisco de Pina cùng các cộng sự viên đã có thể mô tả chính xác các âm vị trong tiếng Việt để ghi chép bằng hệ thống ký tự Latin, với sự trợ giúp của các dấu phụ.
Vào đầu thế kỷ 17, ở nước Việt tồn tại chữ Nôm dùng ghi lại toàn bộ quốc âm (Nam âm) mà chữ Hán không thể bao quát. Tuy nhiên, hệ thống chữ Nôm lại không được coi trọng trong quản trị triều chính, trong giáo dục…, mà vai trò này thuộc về chữ Hán. Linh mục Roland Jacques, trong biên khảo “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”, nhận định: Francisco de Pina có một trực giác bén nhạy của nhà ngôn ngữ học nhằm “trả lại cho quốc âm của tiếng Việt một vị thế cao quý”. Dựa trên các ký tự tiếng Bồ Đào Nha, cha Pina cố gắng khắc phục những thiếu sót để bộ chữ tiếng An Nam có cách phát âm chính xác, toát lên được vẻ đẹp âm nhạc, nhịp điệu và tính chất biểu cảm của nó. Trong một bức thư viết vào năm 1622, cha Pina đã vạch ra một kế hoạch đầy nhiệt tâm - đó là: (1) mở ra sự tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho những người sẽ gieo hạt giống Tin Mừng của Chúa Giêsu tại đây; và (2) hỗ trợ các thế hệ người Việt đầu tiên theo Công giáo duy trì nguồn gốc văn hóa của họ trong khi tiếp nhận ánh sáng Tin Mừng. Và, trong khi các nhà truyền giáo khác đi tìm những người trọng tuổi, có học, có kinh nghiệm để trợ giúp trong công việc ghi chép, thì linh mục Francisco de Pina lại quyết định mời những người trẻ để thụ huấn làm giáo lý viên, đồng thời giúp đỡ ngài trong quá trình soạn thảo “bộ chữ cho tiếng An Nam”. Vì sao? Vì Francisco de Pina cần có những người trẻ trung, cởi mở để họ đủ sáng suốt và dũng cảm tách khỏi Hán hóa, biết trân trọng Nam âm (chữ Hán không dung chứa ngoài âm Hán - Việt mà thôi) để xây dựng văn hóa bản địa Việt Nam độc lập.
Bộ chữ dùng ghi âm tiếng nói Việt vẫn thường được nói là bộ chữ Latin. Nói vậy là đúng nhưng vẫn quá rộng (vì có rất nhiều ngôn ngữ ở châu Âu đều thuộc hệ thống văn tự Latin), mà nên nói cụ thể là cha Pina dựa theo bộ chữ Bồ Đào Nha (với một số dấu thanh điệu có sẵn, rồi sáng tạo thêm). Chữ Quốc ngữ (theo cách gọi về sau này) là dựa trên nền tảng bộ chữ Bồ Đào Nha. Theo học tiếng Việt và học bộ chữ mới này từ linh mục Francisco de Pina, có thể kể đến các linh mục Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes (Alexander Rhodius), António de Fontes…
Bối cảnh xã hội nước Việt trong thế kỷ 17 - lúc các vị linh mục Dòng Tên dựng xây nền tảng của “bộ chữ cho tiếng An Nam” (chữ Quốc ngữ) - là vẫn sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức. Việc sử dụng Hán tự trong lòng xã hội VN kéo dài cho tới đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý: việc thành hình chữ Quốc ngữ được linh mục Francisco de Pina, rồi Alexander Rhodius… học hỏi, tham khảo nơi chữ Nôm. Vì sao? Cho dù khó khăn gập ghềnh khi muốn biết chữ Nôm thì phải học qua chữ Hán, nhưng các vị giáo sĩ không dừng lại ở chữ Hán mà đi “tới nơi tới chốn” là phải học hỏi chữ Nôm, bởi vì quốc âm (Nam âm) của người dân Việt được lưu giữ nơi chữ Nôm - trong khi chữ Hán thì không.
Các linh mục Dòng Tên có mặt tại Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài cho tới năm 1773 (gần cuối thế kỷ 18). Việc truyền bá “bộ chữ cho tiếng An Nam” được tiếp tục bởi các vị thừa sai trong Hội Thừa sai Paris (MEP: Société des Missions Étrangères de Paris), cũng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. “Bộ chữ cho tiếng An Nam” (chữ Quốc ngữ) trở nên thịnh đạt, lan tỏa rộng ra cho mọi người VN sử dụng thuộc mọi tôn giáo tín ngưỡng, là vào đầu thế kỷ 20 trở đi.
Nguyễn Chương
1 Bài Alexandre de Rhodes hay Alexander Rhodius không phải công dân Pháp - sẽ đăng trong Chuyên mục này.
2 Bài Đâu là những giá trị độc đáo của chữ Quốc ngữ?, sẽ đăng trong Chuyên mục này.
3 Bài Vua Thành Thái ban hành sắc lệnh khuyến khích học chữ Quốc ngữ, sẽ đăng trong Chuyên mục này.
Bình luận