Lá thư ngỏ gửi Đức Mẹ

Mẹ kính yêu

Con đọc trình thuật của Luca nói về việc sứ thần Gáprien báo tin Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế. Trình thuật ngắn tũn. Con đếm được 303 từ. Còn lời phát biểu của Mẹ, thì chỉ vỏn vẹn có 33 từ mà thôi.

Thiên Chúa nhập thể mở màn lịch sử cứu độ. Đó là một biến cố vĩ đại, xé đôi lịch sử loài người. Tại sao một biến cố lớn lao như thế mà lại diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy? Con cũng thắc mắc mãi: tại sao Mẹ lại ít lời quá như vậy? Tức quá! Con nghĩ mãi không ra.

Nếu con là Mẹ, con sẽ nói với sứ thần Gáprien rằng: “Chú ngồi xuống đây. Tôi có rất nhiều điều phải nói với chú:

1. Chú biết rồi đấy, đứng về phương diện pháp luật thì tôi đã là vợ của anh Giuse. Theo tục lệ, thì năm tới gia đình anh ấy mới tổ chức rước dâu. Nhưng vài ba tháng nữa anh ấy thấy tôi có bầu, thì sẽ xử trí ra sao?

Trước hết anh ấy sẽ đau khổ đến chết được. Anh ấy yêu tôi và coi tôi như thần tượng. Sự cố này sẽ làm cho anh ấy vỡ mộng. Một người đàn ông thấy mình bị phản bội, thì giống như thấy mình bị đâm lén. Nhục vô cùng... Tôi không nỡ tâm chứng kiến sự cố ấy.

Chú cũng biết rằng theo luật Môsê, thì người ngoại tình bị ném đá. Ai thanh minh cho tôi về việc mang thai bởi phép mầu của Chúa? Tôi nói thì ai mà tin. Như vậy tôi vừa bị chết oan, vừa bị chết nhục, vừa bị chết đau. Một trận mưa đá sẽ đổ xuống trên thân tôi. Mặt tôi rách nát. Trán tôi vỡ vụn. Cả thân tôi chỉ còn là một cục máu khổng lồ.

Ấy là chưa kể đến việc bố mẹ tôi, dòng họ nhà tôi không còn đủ can đảm mà đi ra đường. Đi lấy nước giếng thì phải đi ban đêm. Đi làm ngoài đồng, thì phải cúi mặt nhìn đất...

Bởi vậy đây là điều kiện tiên quyết, đó là chú phải báo tin này cho anh Giuse biết ngay lập tức. Chú phải báo tin. Nếu anh ấy không tin, thì chú phải làm cho anh ấy tin. Sau đó trở lại báo cáo cho tôi mọi tình tiết.

2. Chú đã nói: Con tôi sẽ làm vua và triều đại ấy vượt lên trên mọi triều đại, kể cả triều đại của vua Đavít và vua Salômon. Chính vì vậy chú phải trình báo cho tôi hay ba điều.

Một là con tôi phải ăn uống và ăn mặc như thế nào? Mọi Nazir của Chúa phải được chuẩn bị như thế. Nazir Samson được dặn trước là tóc không bị dao kéo đụng tới. Nazir Samanuen được khuyên là không đụng đến chất say. Con tôi là một siêu Nazir, thì phải được chuẩn bị kỹ hơn thế nhiều.

Hai là con tôi phải có một biệt điện ở Giêrusalem, vừa hoành tráng, vừa đầy đủ tiện nghi, mà xưa nay loài người chưa ai có.

Ba là Hoàng Thái Hậu của một Hoàng đế vĩ đại, thì cũng phải được chăm sóc một cách xứng đáng. Ăn thế nào? Mặc ra sao? Có bao nhiêu người phục vụ dưới trướng? Cần có bao nhiêu quan tiền để chi phí thường xuyên.

Những lời tôi vừa nói với chú, không phải là một gợi ý, cũng không phải là một đề nghị, mà là một mệnh lệnh từ bà Hoàng Thái Hậu của Đấng Cứu Thế. Chú nhớ nhá.

Mẹ kính yêu.

Đọc Thánh Vịnh 79. Con thấy Con của Mẹ cai trị một đế quốc rộng mênh mông khởi đi từ bờ biển Địa Trung Hải và tạm dừng ở sông Ơ Phát. Đọc Isaia chương 66, con thấy hằng năm, vàng bạc châu báu từ khắp các quốc gia trên thế giới chảy về thành đô để triều cống, y như thác vỡ bờ. Con của Mẹ vĩ đại như thế đó. Còn cái huy hoàng của Mẹ so với cái hào quang ấy, thì cũng “bên tám lạng, bên nửa cân”. Con xin cúi đầu chắp tay lạy Mẹ.

Mẹ ơi, con nói hơi nhiều, nhưng không nói sai. Mọi ý nghĩ của con đều bắt nguồn từ Kinh Thánh. Thế mà con thấy Mẹ có vẻ không quan tâm. Mẹ cứ chăm chú nhìn vào vô biên, quên bẵng đứa con của Mẹ đang hùng hồn tuyên ngôn.

Con cảm thấy xấu hổ, trơ trẽn. Con vội cúi đầu suy nghĩ lại. Suy nghĩ mãi. Suy nghĩ thật lâu. Bây giờ con mới hiểu tại sao Mẹ ít lời như thế. Mẹ không nói nhiều vì những điều Mẹ nghe biết không thể diễn tả bằng lời, mà chỉ cảm nghiệm bằng nhịp đập của con tim. Mẹ cảm thấy mình nhỏ tí xíu đang được bồng ẵm trong vòng tay vô biên của Đức Chúa ngàn trùng. Mẹ không thắc mắc. Mẹ không đòi hỏi. Mẹ tin tưởng và phó thách mọi sự cho Đấng Toàn Năng và Toàn ái. Chúa muốn gì, Mẹ cũng chỉ “xin vâng”. Cái gì Mẹ không hiểu, thì cứ ghi khắc trong lòng, để suy đi nghĩ lại mà khám phá ra việc an bài kỳ diệu của Đức Chúa.

“Xin vâng” và “ghi khắc trong lòng” là hai đức tính nổi bật trong đời của Mẹ. Dù trải qua biết bao thử thách đau thương, Mẹ vẫn vui, vẫn khỏe và vẫn đẹp. Nếu con gặp hoàn cảnh như Mẹ, thì con sẽ mất ăn mất ngủ. Từ đó mỗi tháng sút dăm mười ký, rồi điên điên khùng khùng mà chết. Con xin đan cử một số trường hợp như sau.

1. Nếu con là Mẹ mà phải sinh con trong hang đá, hôi hám, bẩn thỉu, con sẽ gào lên thế này: “Bớ ông sứ thần Gáprien ơi, ông đến đây mà xem. Ông bảo con tôi sẽ ngồi trên ngai Đavít... thế mà bây giờ như thế này đây. Ngai vua Đavít mà là cái máng cỏ. Ôi, mười voi không được một bát xáo ông ạ...”. Con thì um sùm lên thế. Còn Mẹ thì cứ lặng lẽ, ghi khắc mọi kỷ niệm buồn vui này để suy đi nghĩ lại. Không thèm buồn. Không thèm giận...

2. Con gái đi làm dâu muốn được bên chồng quý mến, thì điều kiện đầu tiên là phải sinh nhiều con, nhiều đến mức độ “xúm xít xung quanh bàn ăn như một chùm ôliu”. Thế mà Mẹ chỉ sinh được một đứa con. Một điều cắc cớ nữa gây biết bao nghi vấn, đó là sau khi nhận đám nói, Mẹ vào Miền Nam chơi ba tháng. Sau ba tháng đi chơi xa mịt mù, khi về thì có bầu. Vì có bầu thì phải rước dâu sớm. Rước đâu vừa được sáu tháng, thì sinh con. Đứa con không giống bố một tí nào. Người ta không thèm nghi ngờ mà cả quyết là có vấn đề. Không ai kết án Mẹ được, vì thánh Giuse bênh... Kệ bênh thì bênh, nhưng cả làng, cả dòng họ vẫn coi Mẹ như một người tội lỗi.

Nếu con phải sống trong tình huống ấy của Mẹ, thì chắc là con phải... cắn lưỡi mà chết. Còn Mẹ thì không. Cứ “xin vâng”. Cứ “ghi khắc trong lòng” để suy đi nghĩ lại. Vẫn vui. Vẫn khỏe.

Mẹ kính yêu.

Mẹ của con là như thế đấy. Đáng kính, đáng mến vô cùng.

3. Mẹ ơi. Còn một nỗi buồn ghê gớm nữa, mà nếu con là Mẹ, thì con chẳng biết phải đối phó thế nào.

Người mẹ nào cũng phải nghĩ đến việc phát triển dân số cho gia đình. Mình lỡ chỉ đẻ được một đứa con, thì phải lo lấy vợ cho nó, để có kẻ nối dõi tông đường. Đó là luật. Đó là văn hóa của dân tộc.

Con nghĩ rằng: hằng tháng, hằng năm... mọi người đều nhắc Mẹ phải cưới vợ cho con. Bố mẹ chồng nhắc. Chú nhắc. Cô dì nhắc. Nhắc mãi mà Mẹ như điếc không nghe. Như vậy có nghĩa là hằng ngày, hằng tuần... người ta đay nghiến Mẹ. Đay nghiến một năm. Đay nghiến mười năm. Đay nghiến mãi cho tới năm Chúa của con thụ nạn và phục sinh. Bị cả dòng họ đay nghiến triền miên, suốt mười lăm năm trời. Thế mà Mẹ vẫn vui, vẫn khỏe, vẫn trẻ và đẹp. Cũng chỉ vì Mẹ biết “xin vâng” và “ghi khắc trong lòng” để suy đi nghĩ lại.

Mẹ ơi, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để con cúi đầu lạy Mẹ một trăm cái. Đáng trọng, đáng quý vô cùng!

Lá thư ngỏ thứ hai gửi Đức Mẹ

Mẹ kính yêu

Con hau háu nghe đọc trình thuật Luca kể chuyện ngày Mẹ cho Thầy của con ra chào đời.

Bố Giuse và Mẹ đi bộ từ Nadarét vào Bêlem để làm thủ tục kiểm tra dân số. Chờ mãi, chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt mình. Thế rồi đến giờ khai hoa. Không một mái ấm. Không một tấm chiếu manh. Mẹ đành đặt Thánh Nhi vào máng cỏ. Trên trời văng vẳng tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ngoài đồng những người chăn chiên được sứ thần báo tin Đấng Cứu Thế đã giáng sinh. Các ngài chỉ điểm, bảo đi tìm “Một trẻ sơ sinh, quấn tã, nằm trong máng cỏ”. Họ kéo nhau đi tìm. Họ thấy đúng như thế. Họ mừng rỡ trở về báo tin cho bà con. Ai nấy đều ngạc nhiên. Còn Mẹ thì ghi nhớ kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại...

Ngày thứ tám, Thầy của con được cắt bì và đặt tên.

Ngày thứ bốn mươi. Bố Giuse và Mẹ dâng Thầy con cho Chúa Giavê tại đền thờ Giêrusalem.

Sau đó Bố và Mẹ đưa Thầy con về quê hương Nadarét. Con đang muốn nghe nữa, thì trình thuật kết thúc. Tức quá con muốn đấm vào lưng Luca một quả. Nhưng chỉ là đấm vào không khí... Thua!

Mẹ ơi! Con muốn biết thật nhiều, chỉ vì con quá yêu. Con yêu Thầy của con. Con yêu Mẹ. Con yêu Bố Giuse. Vì yêu, con không chịu thua. Con suy nghĩ. Con tìm tòi. Con moi lịch sử. Và bây giờ thì... con thấy Mẹ rất rõ. Con thấy từ kẽ tóc đến chân tơ. Con kể cho Mẹ nghe nha.

1. Bố quê ở Bêlem, nên theo pháp lệnh, Bố và Mẹ phải về đó mà làm thủ tục kiểm tra dân số. Khổ lắm, nhưng phải đi, vì đó là lệnh của Hoàng đế Rôma. Ông nội, bà ngoại, chú thím, cô dì... mỗi người cho một tí tiền và dặn đi dặn lại: “Tranh thủ tối đa để kịp về nhà, trước ngày sinh con”.

Hành trang gọn nhẹ. Hành trình thăm thẳm. Mẹ ngồi trên lưng lừa, ôm chặt bọc đồ, lòng miên man nghĩ về cái thai thánh đức, quên bẵng đường xa. Bố Giuse đi bộ, mồ hôi lã chã, mà chẳng thấy vất vả. Cũng chỉ vì đang được dấn bước vào một giai đoạn lịch sử vĩ đại.

2. Hành trình bốn ngày kết thúc. Bố dựng lều. Đó là mái ấm của những ngày tha hương. Ngày hôm sau, Bố lên ủy ban thị trấn để làm thủ tục. Nhìn sân ủy ban, Bố lắc đầu thất vọng. Lạc đà, lừa ngựa trùng trùng điệp điệp. “Người cưỡi lạc đà” vào văn phòng ủy ban, vừa đi vừa nắn túi. Vào một lúc, rồi ra ngay. Cười toe toét. “Người cưỡi ngựa” đi vào. Vào thật nhanh; chờ thật lâu; đi ra chậm chậm, có vẻ tiếc xót. “Người dắt lừa” đi vào: vừa đi vừa lách; lách mãi mới vào được; vừa vào tới nơi, thì đã đi ra; mặt tiu nghỉu...

Chờ mãi, chờ mãi, rồi lại về.

Ngày nào Bố cũng lên ủy ban. Cứ về đến cửa lều, thì Bố lại dang tay, lắc đầu. Mẹ thì cúi đầu, chắp tay, suy nghĩ.

Ngày nào cũng thế. Tuần nào cũng vậy. Não lòng!

3. Mẹ ngồi xếp bằng trên chiếu. Hai tay đặt lên bụng. Miệng thì thầm: “Anh ơi, ngày của Bé tới rồi”. Bố chạy vọt ra khỏi lều, vào thị trấn, gõ cửa nhà trọ.

- Vợ tôi tới giờ đẻ. Cho tôi mướn một phòng.

- Hết phòng rồi. Nhưng nếu thêm tiền gấp đôi thì tôi nhường phòng cho. Chúng tôi ngủ ngoài hành lang cũng được.

-!!

Bố hốt hoảng chạy vào nhà dân.

- Vợ cháu sắp đẻ. Nhà trọ hết chỗ. Xin hai bác thương cho vợ cháu đẻ nhờ. Chúng cháu đội ơn.

- Thấy mặt mày hiền, thì tao thương đứt ruột. Nhưng cho đàn bà đẻ trong nhà, thì nhà mắc uế. Không được. Hay là... thế này. Mày đưa vợ ra đẻ ở trong cái hang đá ngoài đồng. Đẻ xong rồi thì vào đây, tao mới dám chứa. Tội nghiệp!

4. Hang đá quạnh hiu. Tối tăm và hôi hám. Chúa Hài Nhi, Thầy của con nằm trong máng cỏ. Mắt lim dim. Ngực phập phồng. Mẹ lặng lẽ nhìn ngắm. Sung sướng vì có một người con vĩ đại. Nhưng buồn tủi đến vỡ mộng. “Con vua Đavít” mà như thế sao?! Ôi mầu nhiệm của lịch sử cứu độ. Mẹ chẳng hiểu tại sao. Đành cúi đầu và thì thầm “xin vâng”.

Bố Giuse thì mặc cảm đầy mình. Là thân phận đàn ông chẳng biết làm gì để phục vụ người mẹ vĩ đại sinh con tuyệt vời. Chỉ biết cúi đầu ngẫm nghĩ. Bố bắt chước Mẹ thì thầm “xin vâng”.

Mẹ ơi! Thấy Mẹ khổ sở quá, con chỉ biết khóc. Bất giác, con nhệu nhạo trong tiếng nấc: “Chúa ơi. Tại sao Mẹ con phải khổ quá như vậy? Mẹ con đang ở tuổi ô mai, tuổi chưa biết lo, mà phải sinh con trong cảnh thiếu thốn cực kỳ. Không có mẹ, không có dì, không có một cô mụ vườn giúp đỡ. Mẹ con phải ngủ trong chuồng bò. Mẹ con tắm giặt ở đâu?”. Ôi, thân phận của “Bà Hoàng Thái Hậu”!

Mẹ ơi! Con thương Mẹ quá! Con chẳng biết làm gì để giúp Mẹ. Con chỉ biết khóc. Khóc mãi. Khóc hậm hực...

5. Bỗng có tiếng hát văng vẳng. Mẹ ngước mắt nhìn lên. Mẹ chắp tay. Hai dòng lệ tuôn chảy. Dường như Mẹ thấy Chúa Cha. Mẹ mỉm cười. Nhưng lại khóc nhiều hơn. Khóc vì yêu. Khóc vì được yêu...

Ngoài cửa hang, bỗng có tiếng ồn ào. Bọn chăn cừu đứng lố nhố. Họ chen nhau vào. Họ chào Mẹ. Họ chào Bố. Họ quỳ mọp lạy Thầy Hài Nhi của con. Vui quá là vui!

Họ ra về. Họ trở lại. Họ dẫn theo một đoàn người đông như chợ. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé. Niềm vui của ngàn năm trông chờ nay bùng vỡ. Đấng Cứu Thế đã ra đời. Dân tộc sắp được giải phóng. Họ hô to “Halléluia. Halléluia”. Họ đua nhau rờ Bé xinh một cái, rồi vuốt vai Mẹ một cái, đập vai Bố một cái.

Người nào cũng đòi rước Bé xinh về nhà mình. Vinh dự quá chừng! Bất ngờ, một vị cao niên lên tiếng “Để tôi rước Đấng Cứu Thế về nhà tôi”. Mọi người im phăng phắc, tiếc hùi hụi. Không ai dám cãi. Không ai dám giành. Ông là người được mọi người công nhận là người được Đức Chúa chúc phúc, vì con cháu ông xúm xít như chùm ôliu, tuổi ông cao nhất làng, vàng bạc nhà ông phải chứa bằng hũ.

6. Sáng hôm sau, đại gia cho Bố mượn ngựa đi báo tin gấp cho Dì Êlisabét. Chỉ có 19 cây số. Bố phóng ngựa một tiếng đồng hồ là tới Sinkarim. Tin vui bùng vỡ. Dượng Dacaria ôm chầm lấy Bố, vỗ vai Bố bùm bụp. Dì Êlisabét ôm con chạy đến khóc òa lên. “Tao đoán đúng mà! Tao đếm từng tháng từng ngày mà...” Gia đình sum họp. Vui hơn ngày đại lễ Vượt Qua.

Bố Giuse và dượng Dacaria phóng ngựa đi như bay về hướng Bêlem. Uy tín của dượng Dacaria đã vang dội khắp ba miền. Làng Bêlem kéo nhau đến để chào dượng: “Rápbôni! Chào Thầy”. Uy tín của dượng đã cao, bây giờ thì cao vút. Dượng yêu cầu được rước cháu về ngay Sinkarim. Chẳng ai dám cãi, nhưng cứ năn nỉ: “Chờ cho Mẹ và Con cứng cáp đã”. Chờ đến ngày thứ bảy, dượng và Bố mới đưa Mẹ và Bé về Sinkarim được. Đó là tình. Đó là lý.

7. Nhà dì Êlisabét bỗng trở nên ấm cúng, thân thương vô cùng. Bé Gioan được sáu tháng tuổi. Bé Giêsu được 7 ngày tuổi. Hai bà mẹ hiểu nhau như đi guốc trong bụng của nhau. Yêu nhau, trọng nhau, quý nhau.

Bố Giuse và dượng Dacaria thì mải miết bàn chuyện lịch sử dân tộc: lịch sử vòng vo; lịch sử thăng trầm; lịch sử xán lạn đang tới...

Hôm sau là ngày thứ tám của Bé Giêsu. Gia đình, xóm giềng sum họp. Dượng cắt bì cho Bé. Bố đặt tên cho Bé là Giêsu. Tiệc tùng. Chén thù chén tạc. Vui ơi là vui!

Ngày thứ bốn mươi của Bé và của Mẹ. Cả gia đình bao xe ngựa lên Giêrusalem. Chỉ có bảy cây số. Ngựa chạy lóc cóc không đầy một tiếng đồng hồ. Mọi thủ tục, mọi lễ nghi... dượng Dacaria thuộc lòng như đếm mười ngón tay. Bố Giuse khỏe re. Mẹ và dì tha hồ mà tâm sự. Đền thờ nguy nga, hoành tráng... Mẹ và dì chả quan tâm. Hai cái đầu cứ nghiêng nghiêng gần đụng vào nhau. Hai cặp môi thì thầm y như hai bà phước lần hột. Hai Bé lấy tay khều nhau, cười toe mà không thành tiếng.

Mẹ yêu dấu của con. Đó là trình thuật của con. Xin Mẹ chúc phúc cho nó. Tất cả chỉ vì yêu Mẹ mà thôi.

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.