Niềm vui Phúc âm xuất phát từ một con tim nghèo khổ
Năm 2015, nhân kỷ niệm hai năm Đức Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội, Nguyệt san Công giáo “Documentations Catholiques” đã chọn 13 bài diễn văn của ngài mà họ nhận định là thiết yếu và có thể xem đó là “chữ ký chính thức” của Đức Thánh Cha.
Phúc cho những người nghèo khổ trong tâm hồn... Mối phúc thật đầu tiên này là chủ đề của ngày quốc tế giới trẻ nói lên cái phúc của người nghèo trong tâm hồn, bởi vì Nước Trời là của họ. Trong một thời đại mà nhiều người đang khổ đau vì khủng hoảng kinh tế, nối kết với nhau sự nghèo khó và sự hạnh phúc có thể xem như đi ngược lại ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể nhận thức được nghèo khổ là phúc ? Khi con Thiên Chúa làm người, Ngài đã chọn lựa con đường nghèo khổ, con đường của sự từ bỏ, lột xác. Như thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Philiphe : “Các anh em hãy có những tâm tình như trong Đức Kitô Giêsu : với cương vị là Thiên Chúa mà đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã tự hạ mình mang thân phận tôi đòi trở thành một người như chúng ta” (2,57). Giêsu là Thiên Chúa đã lột bỏ vinh quang của mình. Ở đây chúng ta thấy được sự chọn lựa nghèo khổ của Thiên Chúa : Ngài đã làm cho mình nên nghèo để cho chúng ta được giàu có bởi sự nghèo khó của Ngài (2 Cor 8,9). Đây là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm trong hang đá khi thấy được con Thiên Chúa trong chuồng bò, nằm trong máng cỏ, rồi trên thập giá, việc lột xác, việc từ bỏ đến tận cùng. Tính từ Hy Lạp của từ “nghèo” không chỉ có nghĩa nghèo vật chất, nhưng cũng có nghĩa là “kẻ ăn xin”, từ này liên kết với quan niệm Do Thái của “anawim”, nghĩa là “người nghèo của Thiên Chúa”, nói lên lòng khiêm nhu, ý thức về sự giới hạn của chính mình, của hoàn cảnh, về nhân sinh nghèo khổ của mình. Những người anawim này phó thác vào Thiên Chúa, họ biết là họ lệ thuộc vào Ngài. Như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thấy rõ trong cuộc nhập thể, Giêsu tự xem mình như một kẻ ăn xin, một người cần đến tình yêu. Giáo lý Công giáo của Giáo Hội nói về con người như “một người ăn xin của Thiên Chúa” (số 2559), và lời nguyện là cuộc gặp gỡ của sự khao khát Thiên Chúa với sự khao khát của mỗi người chúng ta (số 2560). Thánh Phanxicô Thành Assisi đã hiểu rõ bí mật của mối phúc về sự nghèo khó trong tâm hồn. Đúng vậy, khi Đức Giêsu nói về Người qua con người phong hủi và qua việc đóng đinh, thánh Phanxicô đã nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa và sự khiêm tốn của chính hoàn cảnh của Ngài. Trong lời cầu nguyện, vị thánh nghèo đã trải qua nhiều giờ để hỏi Đức Kitô : “Thưa Ngài, Ngài là ai? Con là ai?”. Thánh nhân đã từ bỏ nếp sống thoải mái và vô tư của mình để “cưới lấy Bà Chúa Nghèo”, để noi gương Giêsu và theo Phúc Âm, đã sống mẫu gương Đức Kitô nghèo, và tình yêu đối với người nghèo một cách liên kết với nhau, như hai mặt của một vấn đề. Chúng con có thể hỏi cha rằng : làm sao chúng con có thể cách thực tế biến đổi sự nghèo khó tâm hồn bằng một nếp sống ảnh hưởng đến đời sống của chúng con? Cha có thể trả lời cho chúng con với 3 điểm :
Phải nhạy bén với nhu cầu thiêng liêng và vật chất của người nghèo |
- Trước tiên hết, cố gắng tự do trước những sự việc đến với mình. Thầy Chí Thánh mời gọi chúng ta sống một nếp sống Phúc Âm với đặc tính tiết độ, đừng để lệ thuộc vào văn hóa tiêu dùng. Chúng con phải tìm những gì chính yếu, tập biết từ bỏ muôn ngàn sự việc vô nghĩa và không cần thiết làm cho con ngộp thở. Chúng con hãy từ bỏ khao khát chiếm hữu, đừng để cho tiền bạc trở thành thần tượng của mình, để sau đó chi tiêu phí phạm. Hãy đặt để Giêsu vào vị trí hàng đầu. Ngài có thể giải thoát chúng con khỏi chủ nghĩa thần tượng làm cho chúng con nô lệ. Những người trẻ thân mến, chúng con hãy tin tưởng vào Thiên Chúa ! Ngài biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài không bao giờ quên chúng ta. Như Ngài đã quan tâm đến hoa huệ ngoài đồng (Mt 6.28). Ngài sẽ không để chúng con thiếu thốn điều gì, để thắng được khủng hoảng kinh tế, chúng con cũng phải sẵn sàng để thay đổi nếp sống của mình và tránh đi bao nhiêu phí phạm. Cũng như chúng con phải biết có đủ can đảm để được hạnh phúc, thì chúng con cũng phải có can đảm để sống tiết độ.
- Thứ hai, để sống phúc nghèo khó, tất cả chúng ta đều cần có sự hoán cải liên hệ đến người nghèo, chúng ta phải chăm sóc họ, phải nhạy bén với những nhu cầu thiêng liêng cũng như vật chất của họ. Với các con là những người trẻ, cha giao phó cho các con một cách đặc biệt sứ vụ đặt để lại tình liên đới làm trung tâm của nền văn hóa nhân loại, đứng trước những hình thức mới và cũ của nghèo khó : sự thất nghiệp, vấn đề di dân, vấn đề lệ thuộc trong mọi lĩnh vực, chúng ta phải có bổn phận chú ý, tỉnh thức và thắng được cám dỗ vô cảm. Chúng con cũng hãy nghĩ đến những người cảm thấy không được yêu thương, những người không có niềm hy vọng cho tương lai, những người từ chối dấn thân trong cuộc sống bởi họ đã chán nản, thất vọng và sợ sệt. Chúng ta phải biết học ở với người nghèo, chúng ta đừng nói nhiều lời đẹp đẽ trong môi miệng về những người nghèo ! Chúng ta hãy gặp gỡ họ, hãy nhìn họ tận trong con mắt, hãy lắng nghe họ. Những người nghèo đối với chúng ta là một dịp cụ thể để gặp gỡ chính Đức Kitô và đụng chạm đến được với xác thịt khổ đau của Ngài.
“...Chúng con cũng hãy nghĩ đến những người đang cảm thấy không được yêu thương, những người không có niềm hy vọng cho tương lai, những người từ chối dấn thân trong cuộc sống bởi họ đã chán nản, thất vọng và sợ sệt...’’
|
- Và điểm thứ ba : những người nghèo không chỉ là những con người mà chúng ta có thể cho một cái gì đó, chính họ cũng cho chúng ta rất nhiều và dạy cho chúng ta nhiều điều. Chúng ta phải học bao nhiêu điều về sự khôn ngoan của người nghèo ! Chúng con hãy nghĩ đến một vị thánh của thế kỷ thứ XVIII : Benoit Joseph Labre, thường ngủ nghỉ trên các nẻo đường Roma và sống bởi những quà tặng do người khác, đã trở thành vị tư vấn thiêng liêng cho một số đông người, trong đó có những người quý phái và chức sắc của Giáo Hội. Một cách nào đó, những người nghèo là những thầy dạy của chúng ta. Họ cho chúng ta thấy rằng 4/5 người không đáng là gì không phải bởi cái họ có hay cái họ không có trên tài khoản của mình. Những người nghèo cũng dạy cho chúng ta rất nhiều liên hệ đến sự khiêm tốn và tin tưởng vào Thiên Chúa, như trong dụ ngôn người Pharisiêu và người Pluvicano (Lc 18,9-14) : Chúa Giêsu giới thiệu người thứ hai như là một gương mẫu bởi ông ta khiêm tốn và nhìn nhận mình là tội lỗi. Cũng như bà góa đã bỏ vào hòm bia 2 đồng tiền là một gương mẫu về sự quảng đại của người thật sự không có gì hết nhưng đã cho tất cả (Lc 21, 1-4).
(còn nữa)
Nt QUỲNH GIAO Fmm
chuyển ngữ
Bình luận