Trong tháng Tám, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Mình đi hái hoa. Hái được bốn bông, mình đem đặt dưới chân Đức Mẹ.
Bông hoa một
Mình nhớ mài mại là năm 2000 ở bên Nigiêria có xảy ra một chuyện làm cho hàng triệu con tim se thắt lại.
Có một người đàn bà không có chồng, nhưng lại có con. Theo luật Hồi giáo, cũng là luật của Môsê, thì người đó phải bị ném đá cho đến chết. Tòa án ở Thủ đô Lagos đã tuyên án tử hình cho người đàn bà ấy đúng theo luật của Hồi giáo. Tin ấy làm rúng động thế giới. Không ai dám phản đối, vì đó là luật của quốc gia, một quốc gia theo Hồi giáo. Nhưng thư xin ân xá từ khắp nơi trên thế giới bay về Lagos thì như những đàn bươm bướm bay dập dờn trong vườn hoa. Trong số đó có lá thư của Đức Gioan Phaolô II. Một người bạn nói nhỏ bên tai mình: “Tôi gửi hai email cho Tòa đại sứ Nigiêria ở Hà Nội nhờ chuyển cho Tổng thống xin ân xá cho bà ấy”. Ai nấy đều nôn nóng chờ đợi một tin vui. Tin vui ấy đã đến vào ngày 25 tháng 3, lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế. Cả thế giới vui mừng và dĩ nhiên thì Đức Mẹ vui mừng hơn ai hết.
Bông hoa hai
Mình cũng nhớ mài mại là năm 2001 ở bên Pakistan cũng lại có một chuyện buồn tê tái nữa.
Có một thanh niên Công giáo bị đưa ra tòa về tội phổ biến cuốn “Vần Thơ Quỷ” của Nhà văn Rushdie. Cuốn sách này được coi là một tác phẩm mạ lỵ Đấng Mahômet. Giáo chủ Ayatollah Khomeini đã ra lệnh cho mọi tín đồ Hồi giáo trên thế giới có nhiệm vụ phải giết Rushdie, vì ông đã xúc phạm đến Mahômet. Anh chàng Công giáo bị xử oan, vì bản thân anh không biết chữ thì làm gì biết cuốn sách ấy mà phổ biến. Thế nhưng vì có hai người làm chứng nên chứng ấy là thật. Đó là luật của Môsê được Hồi giáo chấp nhận.
Khi ông chánh án vừa tuyên bố “tử hình”, thì có một tiếng súng nổ và một người ngã gục. Đó là Đức Giám mục Joseph tự bắn vào đầu mình.
Tin này làm cho giới truyền thông Công giáo bối rối vô cùng. Sau biến cố đó, Hội đồng Giám mục Pakistan tuyên bố: Đức cha Joseph không tự vẫn. Ngài tuẫn tiết để chống luật pháp bất công.
Thế giới nín hơi chờ đợi. Cuối cùng thì Tổng thống Pakistan đã ân xá cho chàng thanh niên Công giáo ấy vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngày 15 tháng 8.
Mình tự hỏi: đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là có bàn tay Đức Mẹ can thiệp?
Bông hoa ba
Mình nhớ rất rõ là vào năm 2001, tại một giáo xứ nho nhỏ, có xảy ra một chuyện buồn cũng rất nhỏ. Đó là một cô giáo giận cha xứ quá thể. Cô giận đến mức độ là quyết tâm bỏ đạo luôn. Bỏ đạo chỉ có nghĩa là không đi lễ, không xưng tội và rước lễ. Nhưng vẫn tin có Chúa. Thế rồi cô nghe lời khuyên của một ông lão già nên đi lễ trở lại. Nhưng chẳng may là sau lần trở về ấy, cô bị các bà hiền mẫu đay nghiến như lấy muối trát vào vết thương. Cô hối hận vì đã trở lại. Cô thề là không bao giờ trở lại nữa. Trở lại là hèn. Trở lại là ngu.
Thời gian trôi qua. Trôi mãi cho tới một hôm kia… Hôm ấy là ngày Chúa nhật, 13 tháng 5 năm 2001, cô giật mình thức giấc. Cô tự nhủ: “Hôm nay là ngày 13 tháng 5, ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ở Fatima. Mình nên đi lễ một cái”. Cô chồm dậy, đi rửa mặt và tô điểm nhẹ để đi lễ. Lễ xong cô tự nhủ: “Hay là mình đi xưng tội một cái”. Xưng tội xong, cô cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm. Thế là cô trở lại luôn. Quên hết chuyện giận cha xứ.
Mình lại tự hỏi: Đức Mẹ có can thiệp vào vụ trở lại này không? Còn cô giáo ấy thì tin chắc rằng cuộc trở lại này là một đặc ân của Đức Mẹ.
Bông hoa bốn
Khánh nhật Truyền giáo tại Cái Rắn năm 2001.
Từ năm 1979 mình rất thích mời người lương đến nhà thờ dự lễ. Mình xác tín rằng Đức Giêsu Thánh Thể có dịp trực tiếp gặp gỡ anh em lương dân. Chính Ngài chinh phục họ như Ngài đã chinh phục Nathanael.
Năm 2001 mình bỗng nổi hứng nên quyết tâm mừng Khánh nhật Truyền giáo một cách đặc biệt. Mình soạn chương trình tổng quát:
1. Mời 200 khách lương dân vì nhà thờ chỉ có 400 chỗ ngồi.
2. Nhà thờ phải được trang trí thật đẹp. Ca đoàn phải tập dượt để hát thật hay.
3. Có tiệc liên hoan và trong khi ăn, thì có trình diễn văn nghệ.
4. Phân công:
- Cha sở giảng trong Thánh lễ.
- Cha phó điều hành tổng quát.
- Hội đồng Giáo xứ tiếp tân và khánh tiết.
- Các dì vừa khánh tiết, vừa tiếp tân, vừa phụ trách văn nghệ.
Sau buổi họp thứ nhất, cha phó cho biết Hội đồng Giáo xứ yêu cầu cho mời 400 khách lương dân, vì mời người này, bỏ người kia, thì anh em lương dân không vui. Thấy Hội đồng Giáo xứ nhiệt tình, mình đành chấp thuận. Nhưng vẫn áy náy, vì khách đông quá, chủ nhà tiếp không chu đáo.
Sau buổi họp thứ hai, cha phó lại báo cáo khác. Hội đồng Giáo xứ đã chuyển đến lương dân 400 thư mời, bây giờ lại yêu cầu mời 600. Lý do: nhiều người cự nự “tại sao mày mời nó mà không mời tao. Không có thư mời, tao cũng cứ đi”. Thấy lương dân nhiệt tình quá, mình cúi đầu chấp nhận. Nhưng nơm nớp lo âu và lặng lẽ trao phó cho Đức Mẹ.
Sau khi có 600 thư mời đến tay lương dân thì mình được bà con báo tin mật: “Công an huyện mặc đồ thường dân đang đi điều tra xem Nhà thờ Cái Rắn tổ chức gì mà mời tới 600 khách lương dân? Tại sao có tổ chức lớn như thế mà không xin phép chánh quyền?”. Giật mình thót một cái, mình nghĩ bụng: “Lần này là phải đưa lưng chịu đòn thôi”.
Chưa biết xoay sở kiểu nào thì ngay ngày hôm trước lễ, có 11 nữ tu Đaminh Thánh Tâm từ Hố Nai xuống xin đi ủy lạo người khuyết tật. Đã rối lại rối thêm. Lại đành phó thác cho Đức Mẹ.
Sau Thánh lễ chiều Thứ Bảy. Mọi người hướng về bàn thờ Đức Mẹ. Người ta ca hát, người ta đọc kinh. Còn mình thì nói thầm với Đức Mẹ: “Thưa Mẹ, công tác ngày truyền giáo con đã chia xong. Con là cha xứ, vừa đui vừa điếc, nên chỉ giảng trong Thánh lễ thôi. Cha phó điều hành tổng quát. Hội đồng giáo xứ tiếp tân và khánh tiết. Các dì vừa khánh tiết vừa tiếp tân vừa phụ trách văn nghệ. Còn Mẹ thì chưa có công tác. Con xin Mẹ vui lòng nhận công tác tổng chỉ huy. Xin Mẹ chịu trách nhiệm về mọi vấn đề từ an ninh chính trị cho tới tổ chức nội bộ. Nếu lễ truyền giáo năm nay mà thất bại thì… xin Mẹ chịu trách nhiệm”.
Mình nói hỗn với Đức Mẹ như thế mà lương tâm vẫn bình an, không áy náy, không hối hận, không lo âu.
Ngày hôm sau, người đạo người lương dập dìu đi lễ. Trùng trùng điệp điệp. Người lương ngồi hết ghế nhà thờ, tràn ra ngoài sân. Người đạo thì đứng, đứng hết mọi ngõ ngách trong nhà thờ và cũng tràn ra ngoài sân.
Sau Thánh lễ, khi hướng về bàn thờ Đức Mẹ, mình giới thiệu:
“Thưa bà con tôn giáo bạn. Bà này chúng tôi gọi là Đức Mẹ, vì Ngài là Mẹ Đấng Cứu Thế. Tên của Bà được nhắc đến mỗi ngày hàng tỷ lần. Bà linh lắm, nếu bà con tín nhiệm Bà, thì cứ lên thắp nhang cho Bà”.
Hai bó nhang to bằng hai vòng tay được phân phát hết. Người lương chen nhau lên, quỳ và lết từ cung thánh cho tới bàn thờ Đức Mẹ. Mọi người xá nhang lia lịa. Xá hàng chục cái rồi mới cắm vào bình. Cảm động quá chừng! Mình thủ thỉ với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, lễ truyền giáo năm nay, con thì khổ nhất, Mẹ thì sướng nhất. Hàng trăm người lương xưng “Con” với Mẹ…”.
Khi Hội đồng giáo xứ họp để rút kinh nghiệm thì đều công nhận là tổ chức lễ năm nay không hề có một thiếu sót nào:
- Trật tự: tuyệt vời.
- Văn nghệ: được các chị Đa minh tiếp tay nên thành công quá sức.
- Tình nghĩa lương – giáo chan hòa.
- Chánh quyền xã và huyện không hề phiền trách gì.
Ngày lễ Chúa nhật sau đó, mình thủ thỉ với Đức Mẹ:
“Mẹ ơi, Giáo Hội dâng kính Đức Mẹ nhiều tước hiệu lắm: nào là Nữ vương các Thánh Thiên Thần; Nữ vương các Thánh Tổ Tông v.v. Riêng Giáo xứ Cái Rắn xin dâng Mẹ một tước hiệu mới: “Nữ vương tổng chỉ huy”. Chúng con đang lo quá. Thế mà Mẹ xoay một cái là thành công tuyệt vời”.
Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Bình luận