Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô(5)

Truyện ngắn

Anh Phaolô thương mến vô vàn.

Lá thư này đến với Anh, thấm đẫm nước mắt. Tôi vừa viết, vừa ứa lệ. Thương Anh quá, cầm lòng không được. Đi đến đâu, ở chỗ nào, Anh cũng gặp trăm ngàn khổ đau. Người Do Thái theo Anh như đỉa. Theo để chống đối. Theo để sách động dân địa phương đả đảo và đánh đập Anh. Ở Philíp, chủ của một người đàn bà bị quỷ ám cũng đủ sức lôi anh ra tòa để ăn một trận đòn te tua. Ở Ephêxô, một anh thợ bạc cũng tạo được một cuộc biểu tình để chửi Anh suốt hai tiếng đồng hồ. Ở Corintô Anh bị tập thể Do Thái lôi ra tòa, tố Anh về tội xúi dân theo một thứ đạo trái với luật Môsê. May mắn là ông Galion, thống đốc tỉnh Akhaia cho tội này là không liên can chánh trị. Ông không xét xử và bắt đoàn biểu tình giải tán. Đoàn biểu tình nổi giận tóm cổ ông Xốtthênê, đập đánh túi bụi. Ông Xốtthênê là trưởng hội đường đã tin Chúa, nên bị vạ lây... Còn Anh thì người ta bảo là vô sự. Tôi không tin.

Anh Phaolô ơi ! Những nỗi đau thương trên tuyến truyền giáo III dồn dập đổ xuống trên đầu Anh làm tôi khóc hết nước mắt. Thương quá là thương ! Nhưng những chuyện buồn khi Anh kết thúc tuyến truyền giáo này còn làm tôi đau đớn đến tan nát cõi lòng. Giờ này Anh đang ngồi tù ở Xêdarê, xin Anh dành hết thời giờ để nghe tôi kể lại từng kỷ niệm, từng suy nghĩ và từng cảm xúc của tôi.

Kỷ niệm 1 – Êutikhô nghe giảng, ngủ gật, ngã chết

Rời Philíp, Anh đáp tàu đi Trôa. Anh ở lại đó bảy ngày. Tình nghĩa chan hòa. Đêm cuối cùng Anh tập trung bà con lại để dặn dò, để khuyên lơn. Chẳng ai muốn chia tay. Anh giảng mãi cho tới nửa đêm. Êutikhô, một chú choai choai ngồi ở bệ cửa sổ để nghe. Nghe lâu quá thì ngủ gật, lật nhào từ lầu hai xuống sân, chết ngắc. Buổi nói chuyện tâm tình biến thành cuộc hoảng loạn. Từ trên lầu đi xuống, Anh bình tĩnh xốc người chết lên, ôm vào lòng và nhỏ nhẹ khuyên nhủ mọi người: “Đừng xôn xao, đừng um sùm. Nó sống rồi”. Có người dẫn chú thiếu niên ấy về nhà. Anh và bà con lại lên lầu, lại hàn huyên mãi cho tới tảng sáng mới chia tay.

Anh Phaolô ơi! Người ta bảo tôi rằng Anh là người đàn ông chỉ sống với vầng trán cao mà quên con tim phập phồng. Ai ngờ tình cảm của Anh lại lê thê đến thế. Giảng mãi cho đến nửa đêm, rồi lại tâm sự mãi cho tới tảng sáng. Bịn rịn quá ! Thương mến quá ! Ôi, Phaolô của tôi !

Kỷ niệm 2 – Bến tàu Milêtô

Đoàn của Anh rời Trôa đi đến Átxô bằng đường thủy, còn Anh thì đi bộ. Lại tình cảm lê thê nữa rồi ! Từ Átxô Anh cùng đoàn đáp tàu đi Milêtô, có ghé Mitylen và Xamốt, nhưng không ghé Êphêxô. Không ai dám góp ý, vì đó là lệnh của Anh. Anh viện lý do là phải tranh thủ tối đa, để kịp dự lễ Năm Mươi ở Giêruxalem. Anh biết rõ là nếu ghé Ephêxô thì lại lê thê, lại bịn rịn... không thể dứt áo ra đi được. Thật không ngờ là một người nghiêm khắc và lạnh lùng như Anh lại được nhiều người thương mến đến thế. Rời bỏ nơi nào, thì cũng đằm đìa nước mắt. Ôi nhân tình thế thái !

Anh sai người lên Êphêxô đón các kỳ mục xuống gặp Anh ở Milêtô.

Anh em gặp nhau: tình nghĩa chan hòa; tình cảm chan chứa. Bây giờ tôi mới thấy Anh yêu thương giáo đoàn Êphêxô tới mức độ nào. Suốt ba năm trời Anh tưới lên cánh đồng này biết bao mồ hôi và nước mắt, chỉ còn thiếu máu đào nữa thôi. Anh linh cảm lần gặp gỡ này là lần cuối cùng. Thương quá mà cũng lo quá. Anh gửi gắm tất cả tương lai cho các kỳ mục. Anh dặn họ phải thận trọng tối đa, vì tiên tri giả sẽ xuất hiện, vì sói dữ vẫn rình mò. Nhìn Ánh mắt của Anh và nghe giọng nói của Anh, các kỳ mục cảm thấy đau nhói trong tim. Họ toàn là những thứ mày râu đội đá vá trời xanh thế mà giọt lệ vẫn lăn trên gò má...

Buổi họp cuối cùng kết thúc đầy ấn tượng. Mọi người quỳ gối, ôm ngực, cúi đầu để cầu nguyện. Cầu nguyện chưa xong thì đã khóc òa lên. Mọi người ôm cổ Anh mà khóc như mưa. Đàn ông mà cũng mếu máo và nhệu nhạo y như khách má hồng. Cảm động đến đứng tim, cảm động đến chịu không nổi...

Kỷ niệm 3 – Gặp gỡ ở Tia, Pơtôlêmai và Xêdarê.

Trên đường về thủ đô, thì Tia, Pơtôlêmai và Xêdarê là ba điểm dừng chân. Mỗi nơi Anh ở vài ba ngày, dăm bảy bữa. Chỗ nào cũng có gặp gỡ, thăm hỏi và trao đổi. Không có rình mò. Không có phá rối. Nhưng lại có một nỗi lo xa xôi.

Ở bất cứ giáo điểm nào, thì từ đàn ông đến đàn bà, từ ông bà già cho đến trẻ con đều nhìn Anh bằng ánh mắt lo ngại. Anh cũng nghĩ rằng Anh không nên về thủ đô. Ai nấy đều muốn quỳ xuống mà lạy Anh, van xin Anh đừng chủ quan mà về đó. Ông Agabô là người từ Giuđê lên. Ông nắm vững tình hình ở thủ đô nên cả quyết rằng: Phaolô mà về Giêruxalem thì từ chết đến chết, chứ không có bị thương. Ông lấy dây thắt lưng của Anh để tự trói tay và tuyên bố thẳng thừng rằng: “Ông Phaolô mà về thủ đô thì... thế này này”.

Bầu khí căng thẳng quá chừng ! Ai nấy nín thinh, rưng rưng nước mắt. Còn Anh thì cứ tỉnh queo. Dường như Anh đang hứng. Anh muốn kết thúc sứ mạng đầy gian truân thử thách. Anh muốn lấy cái chết đẫm máu để làm thỏa mãn tình yêu của Anh đối với Thầy Giêsu. Chẳng ai cãi nổi Anh. Chẳng ai thuyết phục được cái trán dồ của Anh. Đành giơ tay đầu hàng và mỉm cười nói với nhau: “Xin cho ý Chúa được thể hiện”.

Kỷ niệm 4 – Tình huynh đệ tệ hơn nội thù

Anh Phaolô ơi ! Anh về Giêruxalem ngày hôm trước, thì ngày hôm sau cả đoàn của Anh kéo nhau đến nhà ông Giacôbê để chào thăm, để hàn huyên, để thông tin truyền giáo và đặc biệt là để gửi tiền viện trợ cho giáo hội xứ Giuđê mới bị hạn hán. Không biết số tiền ấy là bao nhiêu. Tôi đoán là nhiều lắm, vì Anh đã quyên tại tất cả các giáo điểm ở Makêđonia, Akhaia và Axia. Chỗ nào cũng có mạnh thường quân, chỗ nào người ta cũng hết tình đối với Anh. Hôm ấy có mặt đông đủ các kỳ mục của Giêruxalem. Ai nấy đều hớn hở vui mừng. Tình anh em đẹp như mơ. Thế mà bỗng dưng tình đẹp như mơ ấy lại tan đi như mây khói. Các kỳ mục xáng lên đầu Anh một bài huấn từ chua lè và đắng nghét như một lời dằn mặt.

Anh không tự ái, vì Anh đang hứng đón cây khổ giá. Nhưng tôi tự ái thay Anh. Anh hãy nghe tôi phân tích, để dù không chấp nhất, Anh vẫn thấy thế nào là tình đời, tình đời bạc như vôi. Tôi cũng muốn Anh hiểu thế nào là cục bộ, là bảo thủ ngay trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Anh cứ chơi đẹp. Còn tôi thì... cam đoan không chơi xấu. Tôi chỉ đấu tranh cho lẽ phải thôi.

uĐể mở đầu huấn từ, các kỳ mục bảo Anh rằng: “Hàng vạn người Do Thái tin theo và tất cả đều nhiệt thành đối với luật Môsê”. Trong bối cảnh ấy, tôi hiểu rằng: người chống đối Anh đông như kiến cỏ. Một vạn người, tức là một sư đoàn đấy.

u“Thế mà họ đã nghe nói về Anh rằng: Anh dạy tất cả những người Do Thái sống giữa các dân ngoại phải bỏ ông Môsê, Anh bảo họ đừng cắt bì cho con cái và đừng giữ các tục lệ nữa”. Như vậy thì rõ ràng là họ coi Anh như một tên kết thúc sứ mạng. Tội chống Môsê thì đáng bị ném đá cho chết.

u“Thế nào người ta cũng nghe biết là Anh đã tới”. Nói như thế có nghĩa là “họ sẽ ùn ùn kéo nhau đến để xử Anh đấy”.

u“Vậy xin Anh làm như chúng tôi nói với Anh đây: chúng tôi có bốn người đang phải giữ lời khấn; anh hãy đem họ theo mà cùng làm nghi lễ tẩy uế với họ, và đài thọ chi phí cho họ để họ có thể xuống tóc. Như vậy ai nấy sẽ biết rằng những điều họ đã nghe nói về Anh chỉ là chuyện không đâu”.

Ôi, quý vị kỳ mục ở Giêruxalem ơi ! Lòng dạ của quý vị còn độc ác hơn con rắn hổ mang, còn hung dữ hơn con cọp rừng xanh. Xúi ông bạn Phaolô của tôi lên đền thờ vào lúc này thì có khác gì đẩy ông ấy vào hang cọp. Trẻ con ở Xêdarê, ở Tia và ở Pơtolêmai cũng biết điều này. Thế mà quý vị lại không biết? Tôi không tin đâu.

Quý vị đã nhận tiền viện trợ rồi, lại còn đẩy ông bạn tôi vào chỗ chết và trước khi chết còn móc túi ông ta một lần nữa. Quý vị biết rõ hơn tôi rằng chi phí cho bốn người có lời khấn để họ xuống tóc thì không phải là ít đâu. Tôi phỏng đoán là ông bạn tôi phải chi cho bốn người ấy một số tiền tương đương với bốn tháng lương của một công nhân đấy.

Quý vị cũng đã biết rõ mười mươi rằng ông Phaolô không hề xúi Do Thái kiều bỏ luật Môsê và không cắt bì cho con cái. Quý vị hẳn cũng biết rằng chính ông Phaolô đã bắt Timôtê phải cắt bì, vì mẹ anh ta là người Do Thái. Còn chuyện anh Titô không cắt bì, thì quý vị hiểu rồi. Anh ta là người ngoại trăm phần trăm. Theo lời tuyên bố của ông Giacôbê, thì khi người ngoại trở lại không phải cắt bì và giữ luật Môsê. Rõ như ban ngày nhá.

Tại sao quý vị không dùng uy tín của mình để thanh minh cho ông bạn Phaolô của tôi. Hà cớ gì phải bắt ông ta tự thanh minh bằng cách lên đền thờ làm lễ thanh tẩy, để rồi quý vị thấy đó... ông bạn tôi bị ăn đòn hội chợ và bị tống giam trong đồn Antonia... Ôi, tình đồng đạo !

Anh Phaolô rất thân mến của tôi ơi!

Tôi theo dõi từng bước đi của Anh trên suốt ba tuyến truyền giáo. Gian khổ và oan khiêng chồng chất. Anh bị quần chúng đánh đòn hội chợ, Anh bị chánh quyền tra tấn và bỏ tù. Tôi khóc thương Anh đến mờ cả mắt. Nhưng tôi chỉ khóc vì thương Anh, tuyệt nhiên không buồn giận ai. Chủ con đồng ở Philíp và anh thợ bạc ở Ephêxô sách động quần chúng bao vây Anh, chửi bới Anh, xâu xé Anh, tôi không hề chấp nhất. Đó là bọn hạ cấp bị đồng tiền mê hoặc. Ở đâu cũng có những người như thế.

Nhưng khi thấy Anh bị bọn Do Thái lôi bê bê từ trong Đền thờ đi ra, tôi uất hận đến nghẹt thở. Đau quá ! Tôi không hận bọn Do Thái cuồng tín. Tôi hận chính các kỳ mục ở Giêruxalem. Họ cùng loan báo Đức Giêsu như chúng ta. Họ là anh em của chúng ta. Họ là những người lãnh đạo giáo đoàn. Họ vừa nhận quà viện trợ do chính Anh mang về từ các giáo đoàn xa tắp tít, thế mà nỡ tâm “ăn cháo đá bát” một cách trắng trợn như thế. Tức quá ! Giận quá ! Giận đến mất ăn mất ngủ. Tôi vẫn bắt chước Anh chỉ giận tối đa là một ngày thôi. Nhưng lần này thì tôi giận hơn một tuần. Bây giờ thì tôi đã nguôi ngoai rồi. Bớt giận rồi thì mới vỡ lẽ.

Các kỳ mục ở Giêruxalem cực kỳ bảo thủ. Họ cứ bám lấy Môsê và các Sứ Ngôn. Họ cứ tưởng rằng Môsê và các Sứ Ngôn là những bậc thầy tối cao. Họ chưa mở mắt ra được để thấy rằng chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu mà thôi. Họ quên rằng chính Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: “Anh em chỉ có một Thầy và một Đấng Chỉ Đạo là Đức Kitô”. Họ quên rằng chính Đức Giêsu đã không đồng ý với ông Môsê khi ông ấy cho phép ly dị, khi ông ấy ra lệnh ném đá người ngoại tình, khi ông ấy kê khai một chuỗi dài những thức ăn mà ông bảo là uế. Họ không đủ can đảm để nhận ra rằng Môsê chỉ là học trò của Đức Giêsu mà thôi. Luật Môsê vừa là luật đạo, vừa là luật đời, vừa là văn hóa của dân Do Thái. Luật Môsê thấm vào não, nhập vào tim và lan tỏa qua từng mạch máu của dân Do Thái, rồi truyền từ đời này qua thế hệ nọ. Họ đồng hóa lòng trung thành với Môsê và lòng trung thành với Giavê. Họ cứ ru rú sống trong diện tích nhỏ bé của xứ Giuđê, nên lòng dạ của họ cũng chỉ nhỏ bé như thế. Còn Anh thì bôn ba bốn biển. Anh thấy nhiều và hiểu rộng, nên Anh bao dung với người ngoại, tranh đấu để người ngoại gia nhập đạo Chúa mà không phải cắt bì, không phải giữ luật Môsê. Cởi mở như Anh không dễ đâu.

Nghĩ như thế, tôi thôi giận các kỳ mục. Nhưng vẫn thương Anh mà còn thương nhiều hơn, thương nhiều lắm. Tôi cũng dự đoán rằng công việc loan báo Tin Mừng trong tương lai cũng sẽ gặp những khó khăn như thế, những khó khăn mà tôi gọi là vô duyên. Đành vậy. Đó là vấn đề của lịch sử. Người loan báo Tin Mừng cứ vui như Anh, cứ nhìn phía trước mà đi, không chấp nhất, không hận thù. Nếu chấp nhất, nếu hận thù, thì còn giờ đâu mà loan báo Tin Mừng.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.