Đức Trinh Nữ ở Flandre (Bỉ)
Pierre de Rudder, phép lạ thứ 8
Ngày 7 tháng 4 năm 1875
Vào ngày đẹp trời trong tháng tư, Pierre de Rudder dựa trên đôi nạng, khó nhọc đi về hướng lâu đài Jabbeke. Người chủ cũ của lâu đài vốn là một người tôn thờ khoa học, đã hai lần từ chối, không cho người thợ bị thương tật của mình đi hành hương ở Oostacker, gần Gand. Nhưng hôm nay, Pierre hy vọng sẽ thuyết phục được tử tước Bus để ông được đi hành hương. Không gì có thể ngăn cản ông đi cầu nguyện tại hang Massabielle thứ hai do những Kitô hữu đạo đức tại Bỉ vừa xây dựng xong ở phía đông Flandre. Ai biết được một phép lạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những vết thương hoại tử khiến Pierre không được phép đặt chân xuống đất vì sẽ bị nhiễm trùng. Đó là số phận bi đát của ông kể từ khi bị tai nạn.
Đã hơn bảy năm trôi qua. Pierre nhớ lại lúc đó, vì muốn giúp đỡ hai người tiều phu kéo một trong nhiều cây đổ xuống chắn ngang đường trong một cánh đồng lân cận, mà ông đã gặp nạn. Lúc Pierre chặt những nhánh cây trong một khu rừng thưa cản trở công việc kéo gỗ của ông, thì cây đã bị bật gốc, ngã xuống đè ông, làm gãy chân trái.
Kết quả là hai xương ống quyển và xương ống phụ bị gãy hở. Không có cách nào làm cho hai chỗ xương bị gãy liền lại như trước. Tình hình ngày càng tệ hơn : Các vết thương bị nhiễm trùng có nguy cơ bị hoại tử. Các bác sĩ đề nghị cưa chân bị gãy của ông, vì họ cho biết không thể làm gì được. Tuy nhiên, Pierre từ chối, chấp nhận nằm liệt giường cả năm, và bị đau khủng khiếp. Hôm nay, để có thể chống nạng đi được, ông phải lau rửa vết thương nhiều lần những ngày trước đó, và cố gắng tránh đụng chạm đến cái chân đang gẫy vì sẽ đau kinh khủng.
Pierre gõ cửa lâu đài. Bà giúp việc đến mở cửa và mời ông vào. Khi vào trong phòng khách, Pierre chú ý ngay đến cái nhìn thiện cảm của một cô gái trẻ rất dễ thương, là bà tử tước Bus tương lai. Trong cuộc nói chuyện, cô tỏ ra quan tâm đến ông, đến mức yêu cầu ông mở miếng vải quấn quanh chân của ông để cô xem chân bị thương tật như thế nào. Tử tước mỉm cười khi thấy hôn thê của mình kiềm chế sự ghê tởm vì những mùi hôi thối từ vết thương của người thợ của lâu đài.
- Đồng ý, Pierre. Để tưởng thưởng cho việc phục vụ tận tụy và trung thực của ông ở lâu đài, tôi chấp thuận điều mà chú tôi, người chỉ tin vào y học, nên đã từ chối lời xin của ông. Ông có thể đi hành hương ở Oostacker. Xin Chúa phù hộ ông.
Hai ngày sau, Pierre lên đường, tràn đầy hy vọng. Không gì làm ông khiếp sợ cả : cuộc hành trình vất vả, những cái nhìn tò mò tọc mạch hay khinh dể, xúc phạm của người xung quanh. Khi người gác cổng đường sắt vừa giúp ông leo lên toa xe lửa, vừa khuyên ông nên ở nhà, ông trả lời : Nhiều người đã được chữa lành ở Oostacker, tại sao tôi không thể được chữa lành ở đó ? Còn người lái chuyến xe lửa Grand-Oostacker, kẻ giúp ông xuống sân ga, thì la lên khi thấy cái chân gãy gấp khúc kỳ quái của ông : Này, đây là một người bị mất một chân ? Ông mỉm cười hiền lành. Quả thật, phần dưới chân trái của ông thỉnh thoảng bị gấp khúc như vậy !
Trải qua biết bao thử thách, cuối cùng ông đã đến được hang đá đã được làm phép, nơi ông ước ao đến từ bảy năm qua. Pierre hy vọng tràn trề. Hồi tâm suy niệm, ông hướng về Đức Mẹ và cầu nguyện : “Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, xin tha thứ tất cả mọi tội lỗi của con. Xin ban cho con ơn có thể đi làm lại được. Xin giúp con tự lo cho đời sống của con và đừng trông chờ sự giúp đỡ của cơ quan bác ái nữa. Xin ban lại cho con danh dự và phẩm giá”.
Vừa khi cầu nguyện xong, ông quên luôn cặp nạng mà ông gắn bó từ bảy năm qua. Ông đứng thẳng lên và đi lại bình thường. Đám đông không tin khi nhìn thấy ông đi đến và quỳ gối trước tượng Đức Mẹ Lộ Đức.
Bỗng nhiên ông được bình phục. Ông đang ở đâu ? Gần như lập tức, không hề đáp lại những lo lắng của bà vợ đang tự hỏi điều gì đã xảy ra, ông lại bắt đầu đi vòng quanh hang đá. Hai ngày sau, giữ đúng lời hứa, Pierre đến lâu đài làm việc trở lại, sử dụng cái mai và cái cào. Chiều hôm trước, các bác sĩ cho biết xương chân của ông đã lành lặn nguyên vẹn, không hề có một biến dạng nào.
Trước một việc kỳ diệu như vậy, nhiều bác sĩ bắt đầu tin : người thì cho rằng phép lạ của Pierre Rudder đã mở mắt cho mình, người khác lại nói là điều các bác sĩ không làm được, thì Đức Mẹ đã làm được. Những cuộc hoán cải này vẫn tiếp tục sau khi Pierre qua đời, kéo dài cho đến hơn hai mươi năm sau. Quả thật, 14 tháng sau cái chết của ông, ngày 24 tháng 5 năm 1899, người ta khai quật tử thi của ông để kiểm tra hai chân của ông. Đó là lần đầu tiên họ mổ tử thi để khám nghiệm nhân một phép lạ. Những lần chiếu X quang - đã được phát minh một năm trước - cho thấy tình trạng của vết thương và việc lành lặn lạ lùng mà không có sự can thiệp của y học. Ngày 21 tháng 10 năm 1901, một bản báo cáo y học xác định việc xương lành lặn qua việc khám nghiệm tử thi, không được thực hiện bằng những phương tiện tự nhiên. Vì vậy, những người ký tên nghĩ rằng sự việc được xem như là siêu nhiên và là phép lạ. Còn ngày nay, những hình ảnh về xương mà mọi người có thể thấy trong nhà thờ Oostacker chứng tỏ rằng từ đồi Canvê mà Pierre de Rudder đã sống lại.
Ngày 25 tháng 7 năm 1908, Đức Giám mục giáo phận Bruges chính thức xác nhận trường hợp này là phép lạ thứ 8 của Đức Mẹ Lộ Đức. Pierre de Rudder là một người đơn sơ và lương thiện, luôn sẵn sàng cầu nguyện cho những ai giống như mình. Lúc nào người ta cũng thấy ông cầm xâu chuỗi trên tay. Dù phải đến ngày 9 tháng 5 năm 1879 ông mới được tới Lộ Đức trong cuộc hành hương, nhưng ông đã hành hương ở Oostacker gần 400 lần trên đôi chân đã được chữa lành của ông.
Bà có phép lạ...
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận